Với cả huyền thoại và cả lịch sử nghìn năm rạng rỡ, Hà Nội luôn là nơi trái tim ta được thôi thúc bởi ánh sáng lung linh của huyền sử và nỗi lòng thương nhớ không nguôi. Câu thơ đã trở thành kinh điển của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long đã trở thành bài học yêu nước cho mọi người dân Việt. Và, trải qua bao biến động của lịch sử, bao thăng trầm, được mất của đời riêng mỗi người, thì tình yêu nước mãi mãi vẫn sẽ là một thứ lửa thiêng.
|
Một nét thu Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Chính vì ngọn lửa thiêng ấy, mà có một thế hệ thanh niên tuy chưa hề biết Hà Nội, hay nói đúng hơn là chưa một lần được về Hà Nội - về hiểu theo cái nghĩa trở về với nguồn cội dân tộc - nhưng vẫn nặng lòng nhớ thương Hà Nội.
Thế hệ chúng tôi gồm những người sinh ra vào những năm cuối thập niên 1940 bước sang đầu 1950, và trưởng thành vào nửa sau những năm 1960 của thế kỷ XX. Trong quãng thời gian 20 năm chúng tôi vào đời ấy, lịch sử dân tộc đã có nhiều biến cố trọng đại.
Với thế hệ chúng tôi, Hà Nội chỉ được biết đến qua những trang văn tài hoa của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… và cả những ca khúc tràn đầy nỗi niềm hoài niệm Hà Nội xa vời. Cho nên, không sợ chủ quan, tôi vẫn nghĩ, thế hệ những nhà văn thời chống Pháp cũng đã từng nhớ thương Hà Nội, nhưng vì không phải sống trong cảnh đất nước cắt chia, nên có lẽ nỗi nhớ thương ấy không quá bồn chồn, day dứt, không nhuộm màu vô vọng như lớp thanh niên lớn lên ở miền Nam trong cảnh đất nước chia lìa. Hà Nội đối với thế hệ chúng tôi là nỗi nhớ ở ngoài xa, nỗi nhớ không hẹn ngày thỏa niềm mong đợi, không biết trong đời mình có được một lần thực sự chạm đến hay không (?). Chính vì vậy mà nỗi nhớ ấy càng thêm cồn cào, thôi thúc.
Giữa khi chúng tôi đang sống trong cái tâm trạng ấy thì những gót giày viễn chinh dẫm đạp mặt đất quê nhà. Lập tức, thứ tình cảm nhớ thương Hà Nội trong lòng chúng tôi biến thành nhận thức, thành tư tưởng chống ngoại xâm. Như câu thơ quyết liệt của Ngô Kha: Ta nghe từng đoàn người ngựa Thăng Long/ đang phá vỡ vòng vây đập tan quân cướp nước. Quyết liệt để mong tới một ngày Hòa bình, no ấm: vì ta phải thấy/ và nhất định thấy/ ngày kia/ một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây. (Cho một người nằm xuống)
Hà Nội ngày ấy rất gần mà rất xa. Như nhà thơ Thanh Hải, người đã có cái may mắn được đến Hà Nội ngay trong khói lửa chiến tranh, để nghiệm ra rằng: Cách nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi nghìn đèo tới đây. Và trong lửa đỏ của cuộc chiến khốc liệt, khi bóng tối cuộc đời vẫn không thể che mờ được những tấm lòng chân thật, đêm đêm vẫn hiện về thứ ánh sáng diệu kỳ của giấc mơ hòa bình, cùng với tiếng gọi thiết tha của Hà Nội, thành phố của Niềm tin và Hy vọng. Tình cảm nhớ thương ấy được Huy Giang bày tỏ một cách chân thành, giản dị: Dù chưa ra thăm Hà Nội/ Nhưng chắc là tôi sẽ mến yêu/ Nghe nói sông Hồng rất lớn/ Sau đê ruộng lúa phì nhiêu/ Nghe nói phù sa đỏ thắm/ Chắc đỏ bằng máu tôi là cùng (Những ngày đau xót)
Cái tình tự dân tộc đó, đôi khi thật lạ lùng, được bắt nguồn từ tiếng khóc bồi hồi của một bà mẹ, trong đêm khuya lắng nghe tiếng đàn bầu trên Đài Phát thanh Hà Nội: Có cái gì sáng nay rất gợi nhớ/ Tôi hiểu rồi chính tiếng khóc đêm qua/ Tiếng khóc là mẹ tôi, bà khóc tình cờ/ Khóc giữa tiếng đàn trên Đài Hà Nội (Đông Trình – Tiếng đàn bầu). Chính nỗi nhớ thương Hà Nội, mặc dù chưa biết Hà Nội bao giờ, khiến Đông Trình, trong khi khẳng định niềm tin vào chiến thắng tất yếu của dân tộc, đã có một nhầm lẫn thật đáng yêu về Hồ Gươm, khi quả quyết là “mặt Hồ Gươm ngát bóng sen”: Chiến thắng về ta rất dĩ nhiên/ Như nhân tâm phải thắng bạo quyền/ Như B52 rơi trên Hà Nội/ Cho mặt Hồ Gươm ngát bóng sen (Giọt lệ mừng).
Rất nhiều người thuộc thế hệ thanh niên trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mỹ, dù đang bị giam cầm trong các nhà tù Thừa Phủ, Chí Hòa, Tân Hiệp… hay bị đày đọa trong Chuồng Cọp Côn Đảo, thì Hà Nội vẫn là biểu tượng sinh động của Lương-Tri-Con-Người trước hiểm họa chiến tranh diệt chủng. Và chính vì thế mà họ đã nối lòng mình với Hà Nội, hay đôi khi trong các sáng tác, do chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo, chỉ nhắc đến một hình ảnh thuộc về Hà Nội, như người con gái miền Nam đã bắt nhịp lòng mình với tiếng “còi tàu Long Biên” trong thơ Lê Văn Ngăn: Lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh/ Không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn / Tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên (Sóng vẫn đập vào eo biển).
Hòa trong tình cảm nhớ thương Hà Nội của cả một thế hệ, tôi đã bao ngày sống trong mơ ước, và cũng đã nhiều lần băn khoăn tự hỏi, đến bao giờ mới tới ngày Thống nhất, để: Được đi chuyến xe lửa tốc hành Sài Gòn Hà Nội/ Góp giọng cải lương chung tiếng câu hò/ Của anh trai Đồng Nai của em gái làng Lim ngày hội / Những mong ước một đời/ Đến bao giờ mới thành sự thật? (Tần Hoài Dạ Vũ - Bài hát trái tim). Biết bao đêm “Tôi ngồi trong tối ngóng phương xa. Chờ đợi Hòa bình lên trước ngõ”. Cái khát vọng cháy bỏng ấy nhiều khi làm lòng dạ quặn thắt. Và càng thêm nung nấu nhớ thương: Biết bao giờ tôi hết nhớ thương/ Đang đêm thắp bình yên đi về Hà Nội (Tần Hoài Dạ Vũ - Gửi tới một tương lai).
Hà Nội trong tâm tưởng tôi ngày ấy là một thứ ánh sáng, là một mùi hương kỳ bí, nhưng lại gần gũi như đang hiện hữu trên từng phân vuông da thịt, đánh thức tôi sống chan hòa với những bài học lịch sử – văn chương của tiền nhân. Tôi đã yêu, đã sống cái tư tưởng ấy, và đã để tâm hồn tôi bay lên cùng với cánh diều ước mơ, đã đập cùng nhịp đập với con sóng sông Hồng trong trái tim tôi: ...Cho tôi về với Tản Đà thăm mây núi Tản/ Cho tôi đi cùng Nguyễn Du lên đỉnh Hồng Sơn/ Tôi sẽ để lòng bay theo cánh diều chiều nào trên đê Yên Phụ/ Máu tôi đầy vơi cùng con nước Nhị Hà/ Thơ tôi nở trên môi cười thiếu nữ/ Tách cà-phê bên bờ Hoàn Kiếm sương mù/ Bao giờ mới được nâng ly trong hơi gió bấc? (Tần Hoài Dạ Vũ - Khai từ một ước mơ).
Trong những đêm dài thao thức của tuổi 20 ấy, tôi chỉ viết theo tiếng gọi thầm kín từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Tôi chỉ muốn nói tiếng nói của đám đông, của cả một thế hệ, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Phải sau hơn 40 năm, nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng hình ảnh Hà Nội đã là một nỗi ám ảnh trong thơ tôi, được nhắc đi nhắc lại ở nhiều bài thơ trong suốt một khoảng thời gian dài, ít nhất là 10 năm, từ 1965 đến 1975.
□
Đã từng có cả một thế hệ thanh niên chưa hề biết Hà Nội mà vẫn nặng lòng nhớ thương Hà Nội. Vì sao ư? Một người thuộc thế hệ kế tiếp chúng tôi, TS. Phạm Thanh Hùng ở Đại học An Giang, có cách lý giải khá thỏa đáng: Dù sống và viết trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn, nguy hiểm bởi sách lược đàn áp, khủng bố của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, các nhà văn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam, bằng mọi cách có thể, đều cố gắng đem đến cho người đọc sự nhận thức, lý giải về những vấn đề gắn liền với lịch sử-văn hóa dân tộc nói chung, với không gian lịch sử-văn hóa truyền thống đầy tự hào của Thăng Long-Hà Nội, nói riêng (*).
Tần Hoài Dạ Vũ
(*) TS. Phạm Thanh Hùng: Thăng Long - Hà Nội trong sáng tác của một số nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam, Tham luận, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, 28-8-2010, tr.732.