Trời rét, gia tăng bệnh nhân cúm A/H1N1

Thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài khiến gia tăng bệnh nhân cúm A/H1N1. Các bác sĩ cảnh báo dù đã sang thời kỳ hậu đại dịch cúm A/H1N1, song virus cúm này vẫn không biến mất.

Thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại kéo dài khiến gia tăng bệnh nhân cúm A/H1N1. Các bác sĩ cảnh báo dù đã sang thời kỳ hậu đại dịch cúm A/H1N1, song virus cúm này vẫn không biến mất.
 
Diễn tập phòng chống cúm A/H1N1. Ảnh: T.H.
Diễn tập phòng chống cúm A/H1N1. Ảnh: T.H.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư từ ngày 14-1 đến nay có 46 bệnh nhân cúm vào khám trong đó 31 ca xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Phần lớn bệnh nhân đều ở Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết đang điều trị cho 34 ca cúm, trong đó có 16 ca dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó có một ca viêm phổi nặng nhưng đã qua cơn nguy kịch. Đến nay chưa có ca bệnh nào nặng phải vào khu vực cách ly. Năm nay dịch cúm A/H1N1 được cho là đến sớm hơn năm ngoái nhưng biểu hiện bệnh nhẹ hơn, điều trị đúng cách nên bệnh nhân được xuất viện sớm.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, thế giới đã qua giai đoạn 6 của đại dịch và bước vào thời kỳ hậu đại dịch. Điều đó không có nghĩa là virus cúm A/H1N1đại dịch sẽ biến mất mà sẽ lưu hành như cúm mùa thông thường trong những năm tới.

Trong bối cảnh dịch cúm A/H1N1 vẫn xuất hiện, kết hợp thêm thời tiết lạnh ẩm, rét đậm và rét hại nên bệnh dịch ngày càng trở nên nguy hiểm. Bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt trong các môi trường kín, tập trung đông người như phòng học, phòng họp, nhà ga, chợ, siêu thị...

Phần lớn ca mắc cúm A/H1N1 năm 2009 đều ở thể nhẹ, không biến chứng, bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi mãn tính, bệnh hen phế quản, bệnh tim, bệnh suy giảm miễn dịch HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh béo phì... cần đặc biệt lưu ý khi có các biểu hiện cúm. Đặc biệt khi khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên 38,50C và kéo dài ba ngày, phản ứng chậm, li bì… phải đến ngay cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị kịp thời tránh diễn biến nặng.

TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo trong trường hợp chưa bị nhiễm virus cúm, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm; hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao...

Nguồn: Tiền phong online
 

Đọc thêm