Thậm chí còn phát hiện chất cấm thuộc nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng Ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng) được người dân mua về trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Nguy hại cho sức khỏe, sản xuất
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng mà còn làm phương hại đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước, trong lúc sức ép của các loại thực phẩm nhập ngoại đang ngày một gia tăng.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, 9 tháng qua, các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản, đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 21 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng qua cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, còn 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đáng chú ý, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, chất cấm phát hiện thời gian qua thuộc nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng Ô được người dân mua về trộn vào thức ăn chăn nuôi.
“Chất kháng sinh cũng đang bị người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lạm dụng pha trộn vào thức ăn để ngừa bệnh hoặc coi như kích thích tăng trưởng và để lại dư lượng trong thực phẩm lớn. Nếu con người ăn nhiều thực phẩm đó sẽ nhờn kháng sinh.” - Bộ trưởng Phát nói.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Theo một số địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân đối với ATTP. Tuy nhiên, để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, các ngành chức năng cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những hoạt chất được phát hiện trong thực phẩm thời gian qua có thể do người dân mua thuốc thành phẩm để sử dụng hoặc mua từ các nguồn nhập lậu… Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng thuốc kháng sinh để chấn chỉnh tình trạng này.
Trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia tăng đáng lo ngại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần phải triển khai đợt cao điểm vệ sinh ATTP của ngành nông nghiệp để từng bước hạn chế vi phạm trong công tác vệ sinh ATTP.
Ngoài việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP), theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm, các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường cảnh báo đến người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm trong nông nghiệp. Theo đó, cần linh hoạt, chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý những vi phạm trong vấn đề ATTP. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề ở đây không chỉ nhìn ở góc độ ATTP mà còn hướng tới nông nghiệp, nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Đợt cao điểm vệ sinh ATTP do Bộ NN&PTNT phát động sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 2 năm 2016. Trong đó, tập trung giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng Ô; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm trong rau, quả và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi.