Trốn truy nã, Phó giám đốc ngân hàng giả làm ô - sin

Gái nhờ người quen mối lái, dẫn sâu vào lục địa làm ô sin cho các gia đình khá giả ở nông thôn Trung Quốc. Bắt đầu từ đây, Lê Thị Gái đã lột xác từ một sếp lớn ngân hàng đầy quyền uy trở thành một ô sin hiền lành, chăm chỉ, cam chịu, nhẫn nhục. Thời gian qua đi, Gái đã lăn lộn làm ô sin hết nhà này tới nhà khác. Cứ thế ròng rã 15 năm trời...  
Ra hầu tòa ở tuổi đã ngoại lục tuần, bị cáo Lê Thị Gái, nguyên phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) nước mắt lưng tròng. Trong suốt hành trình trốn chạy, bị cáo đã nếm trải đủ mọi cay đắng ngọt bùi của một kiếp người... 
Lê Thị Gái trong phiên xử

Chân dung nữ doanh nhân thành đạt

Lê Thị Gái SN 1950, tại thôn Dực Liễn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Vốn là một phụ nữ lanh lợi, giỏi giang, có nhan sắc, sau khi tốt nghiệp ngành tài chính kế toán, Lê Thị Gái về công tác tại Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh huyện Thủy Nguyên. Nhanh nhẹn, có năng lực, Lê Thị Gái được bổ nhiệm làm phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Hải Phòng, chi nhánh Thủy Nguyên. Ở vị trí phó giám đốc phụ trách tín dụng, Gái có quyền rất lớn trong việc cho vay những món vay tín dụng và khéo léo "đảo nợ" những khoản vay có tính rủi ro cao. Do đó, một thời, chi nhánh ngân hàng NN&PTNT Thủy Nguyên là một trong những đơn vị kinh doanh đạt hiệu quả cao của ngân hàng NN&PTNT Hải Phòng.

Lê Thị Gái ngày quy án.Tuy nhiên, mấy ai học được chữ ngờ. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 1997 lan rộng, đã gây nhiều hệ quả trong hệ thống kinh doanh tài chính tiền tệ. Lúc bấy giờ ở Hải Phòng, hàng loạt các ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty tài chính...rơi vào cơn lốc "hụi-họ", "tín dụng đen", nhiều cán bộ ngành ngân hàng tài chính bị rơi vào vòng lao lý. 
Có thể điểm hàng loạt những "gương mặt đen" thời ấy như: Nguyễn Thị Lảnh, nguyên phó giám đốc ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Kiến An, đã từng lĩnh án chung thân để trả giá cho khoản nợ 15 tỷ đồng; Đinh Hữu Trạch, nguyên giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Hải Phòng, kinh doanh thua lỗ 37 tỷ đồng cũng phải lĩnh án chung thân (năm 1998)…Trong "cơn lốc đen" ấy, Lê Thị Gái cũng không phải là một ngoại lệ. Khi đó công an Hải Phòng đã điều tra, phát hiện hàng loạt sai phạm của Gái. Cụ thể: Từ năm 1993 đến tháng 10/1998, Lê Thị Gái là giám đốc quỹ tiết kiệm, đồng thời là phó giám đốc Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện Thuỷ Nguyên, phụ trách bộ phận cho vay cầm đồ, trực tiếp ký duyệt hồ sơ, chứng từ cho vay cầm đồ.
Gái đã bàn với Nguyễn Thị Tám, Phạm Thị Nhiên, cùng là phó phòng kế toán; Phạm Thị Khuyên, cán bộ tín dụng; Lê Thị Hiền, thủ quỹ kiêm thủ kho cầm đồ; Tô Thị Rịa, thủ kho kiêm thủ quỹ cho vay cầm đồ; Lê Thị Minh Nga, Nguyễn Thị Lẻ, đều là kế toán, lấy thẻ trắng tiết kiệm, kỳ phiếu lập sổ tiết kiệm và kỳ phiếu giả đưa vào làm vật cầm đồ trong các hồ sơ cho vay cầm đồ, hồ sơ đáo nợ để rút tiền. Sau đó, số tiền trên được Gái cùng với đồng phạm và Nguyễn Thị Uyên (nhân viên tạp vụ) và một số người vay sử dụng cá nhân, dẫn tới việc không còn khả năng thanh toán. Hành vi làm trái của Gái cùng một số người khác đã gây thất thoát gần 4,5 tỷ đồng.
Khi biết mình đã rơi vào “tầm ngắm” của cơ quan công an, vào một đêm cuối năm 2000, sau khi Nguyễn Thị Uyên, Lê Thị Hiền bỏ trốn, Lê Thị Gái lặng lẽ "khăn gói quả mướp", bắt xe khách tới Móng Cái, Quảng Ninh, bỏ lại gia đình với dinh cơ đồ sộ.
Những ngày lang thang ở Móng Cái, lúc đầu Gái sống nhờ người quen, buôn bán lặt vặt cho qua ngày. Được một thời gian, trước sự truy lùng gắt gao của lực lượng công an, Gái vượt biên sang Đông Hưng, Trung Quốc. Phiêu bạt nơi đất khách quê người, khi tuổi tác đã cao, Gái nhờ người quen mối lái, dẫn sâu vào lục địa làm ô sin cho các gia đình khá giả ở nông thôn Trung Quốc. Bắt đầu từ đây, Lê Thị Gái đã lột xác từ một sếp lớn ngân hàng đầy quyền uy trở thành một ô sin hiền lành, chăm chỉ, cam chịu, nhẫn nhục. Thời gian qua đi, Gái đã lăn lộn làm ô sin hết nhà này tới nhà khác. Cứ thế ròng rã 15 năm trời, trong khi tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu, cộng với công việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ, tâm lý bất ổn, vị sếp lớn giỏi giang ngày nào đã trở thành một bà già gầy guộc, ốm yếu, tiều tụy, mang trong mình nhiều trọng bệnh... Đến tháng 7/2011, với sự vận động, thuyết phục kiên trì của gia đình và lực lượng công an, Lê Thị Gái đã trở về quê hương, tìm đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận mọi hành vi tội lỗi suốt gần hai thập kỷ.
Quay đầu là bờ
Vừa qua, TAND TP.Hải Phòng đã đưa Lê Thị Gái ra xét xử với các tội danh tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, Lê Thị Gái khai báo rất thành khẩn, hứa sẽ bồi thường, khắc phục phần nào hậu quả do mình gây ra trong gần hai thập kỷ trước.
Những giọt nước mắt hối hận muộn màng lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà già nua, khiến ai cũng động lòng trắc ẩn. Gái nói rằng, suốt 15 năm lẩn trốn sự truy bắt của pháp luật, Gái không ngừng bị ám ảnh bởi hậu qủa mà mình đã gây ra cho hàng chục gia đình tại Thủy Nguyên, trong đó có nhiều người là nhân viên dưới quyền mình. Gái day dứt vì đã đẩy nhiều nạn nhân vào cảnh nhà tan cửa nát, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ, thậm chí có nạn nhân còn trở thành bị cáo như Phạm Thị Khuyên, nhân viên kế toán phải lĩnh án 20 năm tù về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa, Lê Thị Gái vừa khóc nức nở, vừa khai báo hành vi phạm tội một cách thành khẩn và cầu xin hưởng lượng khoan hồng từ luật pháp. Xét hành vi phạm tội, nhân thân, mức độ thành khẩn khai báo, HĐXX tuyên phạt Lê Thị Gái 3 năm tù về tội tham ô; 11 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 14 năm tù.
Bản án 14 năm tù giam dành cho Lê Thị Gái là sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng bản án ấy cũng mở ra cho Lê Thị Gái một con đường thanh thản, khi được sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời trên mảnh đất quê hương mình, không còn phải khắc khoải lo sợ khi một ngày nào đó, phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách.
Theo Người đưa tin

Đọc thêm