Trốn truy nã và câu chuyện lý lịch tư pháp

(PLVN) - Như báo chí đưa tin, chiều 28/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) theo lệnh truy nã cách đây 26 năm về tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Thời điểm bị bắt, Huy đang làm Thư ký kiêm Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong - Hòa Bình.
kê khai thông tin lý lịch tư pháp
kê khai thông tin lý lịch tư pháp

Mặc dù bị truy nã năm 1993 nhưng người này vẫn sinh sống tại địa phương. Đến ngày 27/7/1999, Huy được vào Đảng tại Chi bộ tổ 2, phường Thái Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Ngày Huy chính thức được kết nạp Đảng là 24/7/2000.

Toàn bộ hồ sơ gốc của Nguyễn Quang Huy chuyển cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra thì không có vấn đề gì. Họ hoàn toàn tin tưởng hồ sơ gốc đó. Ngoài ra, quá trình lưu giữ cũng được đảm bảo, có đầy đủ các quyết định, đầy đủ quá trình phát triển của cán bộ, công chức từ lúc được tuyển dụng cho đến hàng năm công tác trong ngành (!)

Tất cả đều “đúng quy trình” để rồi tất cả đều “ngã ngửa” người ra vì bất ngờ. Nhân câu chuyện này xin bàn đến “Lý lịch tư pháp (LLTP)”. Luật LLTP được Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Đây là việc Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo. Năm 2015 Thủ tướng có Quyết định phê duyệt “Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến”.

Chúng ta đã có bước tiến dài trong việc bảo đảm công khai, minh bạch trong thủ tục cấp Phiếu LLTP, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân; tạo phương thức mới trong việc nhận, trả kết quả cấp Phiếu LLTP nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Đồng thời là minh chứng, chúng ta đã kế thừa những thành tựu đạt được trong thực tiễn công tác cấp Phiếu LLTP những năm qua, chọn lọc kinh nghiệm của một số nước về cấp Phiếu LLTP để áp dụng phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của Việt Nam.

Tuy nhiên có thực tế là, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP đôi lúc chưa thường xuyên, kịp thời, đầy đủ; nhiều thông tin chưa được cung cấp hoặc cung cấp còn thiếu, có sai sót, ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP.

Trong nhiều việc phải tiếp tục, có lẽ mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin ở cấp địa phương như: Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự phải được tăng cường để trao đổi nghiệp vụ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi cung cấp thông tin LLTP.

Câu chuyện ở Cao Phong (Hòa Bình) cho thấy LLTP còn có ý nghĩa trong phòng ngừa tội phạm?

Đọc thêm