Diễn biến phức tạp
Theo kết quả nghiên cứu của TS Vũ Đoàn Thái (Trường đại học Hải Phòng), diễn biến xói lỏ và bồi tụ vùng ven biển khá phức tạp. Vùng ven biển Cát Hải tiếp tục bị xói lở. Nhiều khu vực được bồi tụ nhiều năm, nhưng gần đây đột ngột chuyển sang xói lở như ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) sát bờ phải sông Văn Úc; rồi xói lở mạnh nhiều năm và gần đây chuyển sang bồi tụ như ở xã Bàng La (quận Đồ Sơn) và xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy)...Đáng chú ý, xói sạt bờ biển xuất hiện ở cả các đoạn bờ cát và bờ bùn; ở bãi triều cao và bãi triều thấp...Nhiều khu vực vốn trước đây ổn định, không có xói lở thì nay bắt đầu bị xói lở như khu vực Đình Vũ, vùng ven đường Phạm Văn Đồng (thuộc địa bàn phường Bàng La). Xói lở được chia làm 4 cấp độ, cấp độ yếu là 0-2,5 m/năm, trung bình 2,5-5 m; mạnh 5-10 m/năm, rất mạnh trên 10m/năm.
Theo kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học Nguyễn Đức Thạnh, Nguyễn Đức Cự và các cộng sự ở Viện Tài nguyên-Môi trường biển, nguyên nhân dẫn đến xói lở bờ do những tác động của con người như việc quai đê lấn biển ở ven bờ. Không tính đến bản chất động lực bờ, nhiều công trình xây dựng tại nơi có quá trình bồi tụ tự nhiên mạnh. Một số công trình của con người tạo ra ở vùng cửa sông tác động xói lở như đập chắn Đình Vũ xây dựng năm 1981; hệ thống đầm nuôi trồng thủy sản làm thay đổi cấu trúc rừng ngập mắn che chắn phía ngoài bờ và đê biển. Đường Phạm Văn Đồng trước đây khá ổn định, từ khi có hệ thống đê xây dựng từ năm 1981 đến nay khu vực này bị xói sạt ở mức độ trung bình và mạnh. Những biến động bất thường tự nhiên gần đây cũng làm thay đổi cân bằng động lực bờ.
Kích thước lớn, độ chắn sóng càng cao
Đây là vấn đề được Tiến sĩ Vũ Đoàn Thái nhận định tại hội thảo “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của Hải Phòng”. Kết quả nghiên cứu cho thấy“Khả năng cản sóng của rừng ngập mặn tùy thuộc vào bề rộng, cấu trúc rừng. Trong điều kiện không có bão, rừng ngập mặn có độ rộng lớn 650 m có khả năng làm giảm đáng kể độ cao sóng khi vào bờ.” . Kết luận này được kiểm định trên thực tế, với hướng sóng Đông Nam hệ số suy giảm độ cao sóng của rừng ngập mặn ở Bàng La (Đồ Sơn), Đại Hợp (Kiến Thụy), Vinh Quang (Tiên Lãng) lần lượt là 94%, 92,7% và 82%. Khi có bão lớn, rừng ngập mặn có ý nghĩa lớn, trong việc giảm thiểu tác động phá hủy của sóng bão với bờ biển. Mặc dù sóng bão có độ cao lớn hơn nhiều so với độ cao sóng trong điều kiện bình thường. Trong các cơn bão số 2, 6 và 7 năm 2005, độ cao sóng đã giảm mạnh khi tác động vào bờ. Cụ thể: giảm 85% ở rừng trang rộng 650 m phường Bàng La; giảm 77,7% ở rừng bần 5-6 tuổi và 79,7% ở rừng bần 8-9 tuổi thuộc xã Vinh Quang, 83,7% ở rừng hỗn hợp trang-bần rộng 670 m xã Đại Hợp.
Càng cần hơn với Hải Phòng
Mối liên hệ giữa cấu trúc, kích thước rừng với mức độ suy giảm tác động của sóng vào bờ biển là một trong những giải pháp cần thiết đối phó với sự biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt cần thiết với Hải Phòng.
Các dải rừng ngập mặn của Hải Phòng tập trung chủ yếu ở các khu vực cửa sông ven biển thuộc các huyện Cát Hải, Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng. Ngoài ra còn có một phần nhỏ ở phường Tân Thành (quận Dương Kinh). Rừng trồng tập trung chủ yếu ở phường Bàng La (Đồ Sơn), xã Đại Hợp (Kiến Thụy), Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng (Tiên Lãng).
|
Bởi Hải Phòng nằm trong vùng có bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ nhiều, chiếm 31% tổng số cơn bão đổ bộ vào nước ta/năm. Khi bão đổ bộ mạnh thường kèm theo nước dâng. Bên cạnh đó, Hải Phòng có nhiều cửa sông lớn chảy qua, các sông này đều là phần hạ lưu cuối cùng trước khi đổ ra biển. Bởi vậy, hằng năm sông ngòi Hải Phòng tiếp nhận lượng lớn nước từ thượng nguồn chảy về. Lượng nước thượng nguồn đổ về Hải Phòng được xác định là: lượng nước sông Kinh Thầy đo tại trạm thủy văn Cửa Cấm 83,10m3; sông Văn Úc đo tại trạm thủy văn Trung Trang 133,10m3; sông Mới đo tại trạm thủy văn sông Mới 50,10m3. Bên cạnh đó, hướng chảy của các dòng sông có độ uốn khúc lớn, bãi sông rộng. Các cửa sông lớn đổ ra biển vừa chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy của thượng nguồn vừa chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều của Vịnh Bắc Bộ. Nguy cơ xói lở bờ ở Hải Phòng càng lớn. Hải Phòng được xác định là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng lớn, trực tiếp từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hơn nữa nếu cây rừng phát triển dày đặc tạo thành các dải rừng thuận lợi tạo điều kiện cho việc bồi tụ bùn, nền tảng để mở rộng ra biển. Phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn là cơ sở bảo đảm sự cân đối giữa phát triển kinh tế và lợi ích sinh thái.
Nguyên Mai