“Trong mỗi chúng ta đều có sức mạnh của rồng”

Công trình Thiên Long tự - 1.000 bức thư pháp chữ “long” mừng đại lễ  kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của nhà thư pháp Lê Thiên Lý vừa hoàn thành  gây  tiếng vang lớn trong làng thư pháp Việt. Cùng với công trình này, ông viết 1.000 chữ “long” lên chiếc  đĩa gốm Chu Đậu đường kính 1,5m, lớn nhất từ trước tới nay. Phóng viên báo Hải Phòng cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông để tìm hiểu thêm về công trình nghệ thuật mang nhiều giá trị này.

Công trình Thiên Long tự - 1.000 bức thư pháp chữ “long” mừng đại lễ  kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của nhà thư pháp Lê Thiên Lý vừa hoàn thành  gây  tiếng vang lớn trong làng thư pháp Việt. Cùng với công trình này, ông viết 1.000 chữ “long” lên chiếc  đĩa gốm Chu Đậu đường kính 1,5m, lớn nhất từ trước tới nay. Phóng viên báo Hải Phòng cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông để tìm hiểu thêm về công trình nghệ thuật mang nhiều giá trị này.

Công trình 1.000 bức thư pháp chữ long của nhà thư pháp Lê Thiên Lý

Công trình 1.000 bức thư pháp chữ long của nhà thư pháp Lê Thiên Lý

- Được biết ông vừa hoàn thành công trình 1.000 bức thư pháp chữ “long”. Ý tưởng thực hiện công trình này bắt đầu như thế nào, thưa ông?

 

- Tôi chỉ nghĩ rằng, người Việt Nam ta vốn có dòng dõi con rồng, cháu tiên với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bởi thế trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa sức mạnh của rồng, loài vật linh thiêng và mạnh mẽ. Tháng 10, Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long tổ chức triển lãm cây cảnh, đá quý nhân kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội và 55 năm giải phóng Thủ đô. Tôi  được mời viết 55 bức thư pháp chữ “long” trưng bày tại triển lãm . Từ đó, ý tưởng tạo ra 1.000 bức thư pháp chữ “long” để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội hình thành. 1.000 chữ “long” ấy tượng trưng cho hơn 80 triệu người Việt Nam rất hào hoa nhưng cũng rất dũng cảm, kiên cường tựa như loài rồng vậy.

 

- Xin ông cho biết, đâu là nét độc đáo của công trình 1.000 bức thư pháp chữ “long” này ?

 

Nét độc đáo nhất nằm ở chỗ cả nghìn chữ đều là chữ “long” nhưng mỗi chữ đều mang một dáng vẻ, sắc thái khác nhau. Nó cũng giống như nghìn người nhưng không ai giống ai . Tôi sử dụng tất cả  thể thư pháp truyền thống và hiện đại (5 thể truyền thống là Triện thư, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư và 2 thể mới do tôi sáng tạo ra là Nhân diện thư và Vật điểu thư). Có chữ là hình ảnh con rồng ở các tư thế rồng chầu, rồng ẩn, rồng bay, có chữ lại mô phỏng hình ảnh những con vật, đồ vật gần gũi với chúng ta như hình ảnh cá vọng nguyệt, cây đàn và người con gái, từng đàn cá bơi lội tung tăng dưới nước… Tôi chọn những hình ảnh ấy để viết chữ “long” với mong muốn kéo hình ảnh con rồng – một con vật vốn không có thật, mang tính  tượng trưng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc, trở nên gần gũi và bình dị hơn với đời thường.

 

Qua mỗi bức thư pháp, tôi đều cố gắng chuyển tới người xem một lời nhắn nhủ, nhỏ thôi. Đó có thể là lời nhắn về truyền thống đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc với hình ảnh người dũng tướng cầm kích bảo vệ thành Thăng Long hay anh bộ đội hải quân chắc tay súng giữa biển khơi lộng gió. Những bức thư pháp cũng vẽ lên nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An với hình ảnh Chàng trai, cô gái Hà Thành, em bé bên con cá chép gợi thú chơi cá cảnh thanh tao… Khi viết 500 bức thư pháp đầu của công trình này, tôi  cảm thấy hơi khó khăn, nhưng khi đã hoàn thành, nếu muốn viết thêm 1.000 bức nữa, tôi có thể viết để không bức nào giống bức nào được. Nói thế để thấy, sự sáng tạo trong nghệ thuật thư pháp là không cùng, chỉ có điều mình có đủ sức để sáng tạo hay không mà thôi.

 

- Ngoài 1.000 bức thư pháp chữ “long”, ông còn viết 1.000 chữ “long” trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu. Việc viết thư pháp trên chất liệu gốm có gì khác so với  viết trên chất liệu giấy truyền thống?

 

- Với 1.000 bức thư pháp chữ “long” khi xếp lại sẽ được một bức tranh lớn dài 210m. Với chiều dài này, khó có địa điểm nào để trưng bày và người xem cũng khó bao quát hết cả 1.000 bức. Việc viết lên chiếc đĩa gốm Chu Đậu không chỉ giúp người xem có thể chiêm ngưỡng 1.000 chữ long dễ dàng hơn mà chất men truyền thống của thương hiệu gốm nổi tiếng từ ngàn đời là  Chu Đậu cũng mang giá trị tinh thần to lớn, sẽ làm lay động trái tim của bất cứ một người Việt Nam nào.

 

Thư pháp gia Lê Thiên Lý đang hoàn tất công đoạn viết 1.000 chữ long lên chiếc đĩa gốm Chu Đậu đường kính 1,5m tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu (Nam Sách – Hải Dương)

Thư pháp gia Lê Thiên Lý đang hoàn tất công đoạn viết 1.000 chữ long lên chiếc đĩa gốm Chu Đậu đường kính 1,5m tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu (Nam Sách – Hải Dương)

Với đường kính 1,5m, đây  là chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất và độc đáo nhất cho tới nay. Ở giữa đĩa là chữ “Thăng Long” với chữ “long” được viết to theo thể Thảo thư, nét chấm được cách điệu thành đầu rồng. Trên đỉnh chữ “Thăng Long” là một chữ “long” được viết theo thể Vật điểu thư cách điệu hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam to gấp 6 lần các chữ “long” còn lại. Hai bên chữ “long” hình bản đồ đất nước là chữ “long” hình dũng sĩ cầm kích bảo về thành Thăng Long và anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Các chữ “long” còn lại được sắp xếp xen lẫn giữa các thể, trải đều hết lòng đĩa. Việc sắp xếp các chữ “long” như vậy ý muốn nói, Tổ quốc Việt Nam ta trải qua ngàn đời các thế hệ chắc tay súng bảo vệ, giữ gìn và xây dựng sẽ ngày càng phát triển rực rỡ như hình ảnh rồng vàng bay lên trong truyền thuyết dời đô của vua Lý Thái Tổ ngày xưa. Lần đầu viết thư pháp trên chất liệu gốm cũng hơi khó khăn nhưng sau 5 ngày tập trung cao độ, tôi  hoàn thành công đoạn viết 1.000 chữ long lên chiếc đĩa này. Việc nung thử nghiệm chiếc đĩa  đã được tiến hành và sau khi ra lò, đĩa sẽ được trưng bày triển lãm giới thiệu tới đông đảo người xem.

 

- Qua việc thực hiện 2 công trình này, ông  muốn gửi gắm điều gì tới người xem hôm nay và thế hệ tương lai?

 

Cả hai công trình này tôi đều làm với mong muốn gìn giữ và tôn vinh tinh hoa văn hóa dân tộc. Phải nói rằng, thư pháp vốn được người Trung Quốc  khởi phát nhưng khi đến tay người Việt, chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo thêm những giá trị to lớn cho loại hình nghệ thuật này.  Chính sự sáng tạo ấy mới là tinh hoa, là hồn cốt của văn hóa Việt. Và như tôi đã nói, trong mỗi con người Việt Nam ta đều ẩn chứa sức mạnh của dòng dõi con rồng, cháu tiên. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những việc phi thường mà không phải dân tộc nào cũng có thể làm được. Đó là điều tôi muốn gửi gắm và chứng minh qua quá trình lao động, sáng tạo của mình.

 

- Xin cảm ơn ông và chúc ông  có thêm nhiều hơn nữa những công trình văn hóa có ý nghĩa trong thời gian tới!.

 

Hồng Châm

Đọc thêm