Trong nhà nước pháp quyền phải có tòa án bảo hiến (tiếp)

 Trong dự thảo văn kiện Đảng ĐH lần này có đề cập đến “Kiểm soát quyền lực”. Đó cái lõi của Chủ nghĩa Hiến pháp. Vậy “kiểm soát quyền lực” bằng cách nào? Có nhiều loại hình, kiểm soát từ bên trong và ngoài. Bản thân mỗi thiết chế đã phải tự kiểm soát. Đây là hình thức kiểm soát là quan trọng nhất để tránh phải đi đến Tòa án.

(Tiếp theo và hết) 
Chủ nghĩa Hiến pháp là một thứ chủ nghĩa tạm dịch là tổng thể những quan điểm tư tưởng về sự hiện diện của hiến pháp với trọng tâm là giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước, tránh lạm dụng quyền lực nhà nước để bảo vệ nhân quyền. Có người nhận định Chủ nghĩa Hiến pháp là một phần của NNPQ, là “lõi” của NNPQ. Hiện chưa có sự phân biệt giữa NNPQ và Chủ nghĩa Hiến pháp, nhưng khi xây dựng NNPQ, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà không đề cập đến Chủ nghĩa Hiến pháp thì có thể chưa đủ.
Không chỉ ở các nhà nước XHCN mà ngay các nước TBCN cũng rất ít chú trọng đến giới hạn và kiểm soát quyền lực Nhà nước,  vì các bản Hiến pháp được ban hành sau này mục đích đầu tiên là phải củng cố quyền lực nhà nước mới được thành lập, mà ít chú ý đến khía cạnh giới hạn và kiểm soát quyền lực theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Hiến pháp. Muốn kiểm soát, muốn giới hạn, thì quyền lực nhà nước ít nhất phải được phân ra, phân công phân nhiệm, phải lấy cái nọ kiểm soát, kìm chế cái kia. Theo cách nói của Madison, Tổng thống thứ 4 của Mỹ quốc khi làm Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới, “tham vọng phải chống bằng tham vọng”, mà không có cách nào khác.
Bác Hồ đã từng nói “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Suy cho cùng đó là tinh thần của Chủ nghĩa Hiến pháp của Hồ Chí Minh. Tinh thần này ít nhiều cũng đã được thể hiện trong một số các quy định của Hiến pháp năm 1946. Nhưng các bản Hiến pháp sau này vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, tinh thần của Chủ nghĩa Hiến pháp không được thể hiện, nếu có chăng thì cũng chỉ là những biểu hiện theo traò lưu, nhận thức chung của thế giới về hiến pháp.
Trong dự thảo văn kiện Đảng ĐH lần này có đề cập đến “Kiểm soát quyền lực”. Đó cái lõi của Chủ nghĩa Hiến pháp. Vậy “kiểm soát quyền lực” bằng cách nào? Có nhiều loại hình, kiểm soát từ bên trong và ngoài. Bản thân mỗi thiết chế đã phải tự kiểm soát. Đây là hình thức kiểm soát là quan trọng nhất để tránh phải đi đến Tòa án. Hơn nữa, nếu kiểm soát từ bên ngoài thì sẽ gây ra sự phản ứng lớn. Từ đó, “phải tiêm văc xin cho Nhà nước”, lấy thiết chế nọ kìm thiết chế kia. Hoạt động giám sát cần được làm từ từ, dần dần, cảnh báo rồi mới đến trì hoãn. Thay đổi con người, chính sách và đi đến Tòa án xét xử chỉ nên là biện pháp “vạn bất đắc dĩ”.
Giám sát được làm dần dần để tìm sự đồng thuận vì làm liên tục thì đất nước không có thời gian phát triển. QH cảnh báo bằng chất vấn, giải trình không được mới có quyền định trì hoãn như dự án đường cao tốc. Muốn làm phải xem xét cẩn thận. Cuối cùng là thay đổi
Trong Hiến pháp cũng đã có sự kiềm chế như vậy, nhưng nêu thành chủ trương, đường lối thì chưa có để làm cơ sở “ách” những vấn đề không phù hợp lại. Bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2001 có qui định về “bất tín nhiệm” cũng xuất phát từ Chủ nghĩa Hiến pháp, nhưng chưa được thực hiện trong thực tế. Tóm lại, chủ trương, đường lối của Đảng về Chủ nghĩa Hiến pháp là “lõi” của NNPQ đã có, nhưng vấn đề là thực hiện.
Về vấn đề trưng cầu dân ý, tôi ủng hộ vì Nhà nước dân chủ nào thì tiếng nói của dân cũng là tiếng nói nhất định. Nhưng không có nghĩa là cái gì cũng đưa ra trưng cầu. Tất cả chỉ ở mức độ, phải rõ ràng vì người dân chỉ làm tốt nhất việc đóng góp ý kiến khi bỏ phiếu hay không bỏ phiếu, đồng ý hay phản đối. Đơn giản vậy thì phải có dự án rõ ràng, để người dân bày tỏ quan điểm. Trưng cầu đúng là dân chủ nhưng không phải nước nào cũng thực hiện được.
Do đó, cần có cơ chế pháp lý tạo sự công khai, để phấn đấu một xã hội công bằng cho toàn xã hội. Điều đó phụ thuộc vào Hiến pháp nên có lẽ cũng phải đề cập đến trong lần sửa đổi Hiến pháp này.
PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung - Giám đốc Trung tâm Nhân quyền, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đọc thêm