Trong nỗi nhớ Hoàng Mai

Nhìn Jimmy Nguyễn chẳng ai nghĩ trong anh có một nửa dòng máu Việt: Dáng người cao lớn, da trắng mũi cao, tóc, mắt màu hạt dẻ; ngoài tiếng Pháp còn nói được tiếng Anh nhưng chẳng hề biết một chút tiếng Việt. Cha anh là một người Việt lưu lạc qua Pháp từ trước năm 40 thế kỷ trước, lấy vợ người bản xứ sinh được một mình anh, rồi ở lại bên ấy cho đến ngày mất.

Nhìn Jimmy Nguyễn chẳng ai nghĩ trong anh có một nửa dòng máu Việt: Dáng người cao lớn, da trắng mũi cao, tóc, mắt màu hạt dẻ; ngoài tiếng Pháp còn nói được tiếng Anh nhưng chẳng hề biết một chút tiếng Việt. Cha anh là một người Việt lưu lạc qua Pháp từ trước năm 40 thế kỷ trước, lấy vợ người bản xứ sinh được một mình anh, rồi ở lại bên ấy cho đến ngày mất.

Minh họa: Hoàng Đặng

Minh họa: Hoàng Đặng

Anh là một bác sĩ nhi khoa đang sống và làm việc ở đảo Corse, một hòn đảo thuộc Pháp nằm ngoài Địa Trung Hải. Năm nay anh cũng trên 50 tuổi, là cháu đời thứ 5, 6 của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường quê ở An Cư, Quảng Trị. Anh về Việt Nam lần đầu theo lời hứa với người cha trước phút lâm chung, rằng con hãy về quê cha cho biết giòng họ bên nội, kẻo cha phải ân hận.

Jimmy Nguyễn gọi thím tôi là cô ruột, lần đầu gặp vào dịp anh cùng chú thím và mấy đứa em ở Canada về nước trong dịp Tết. Tôi đón cả gia đình chú thím vào sáng sớm ở sân bay Phú Bài rồi cùng nhau đi ăn bún bò ở Huế. Nhìn anh lần đầu dùng món ăn Việt tự nhiên thấy cảm tình, vì cái tay phốp pháp cứ loay hoay, lóng ngóng cầm đũa trông rất buồn cười. Bún bò ở Huế cay xé lưỡi, thế mà Jimmy vẫn vô tư, không chỉ ăn một tô mà đúng là tự nhiên như người nước ngoài, gọi thêm tô nữa và ăn rất ngon lành. Hỏi, có ngon không - Rất ngon.

Câu trả lời còn lặp lại nhiều lần sau những buổi ăn cơm Huế tiếp những ngày sau đó. Không hiểu sao, nơi tôi cứ dần dậy lên một thứ tình cảm mông lung lạ lùng mà gần gũi của những người thân lâu ngày không gặp. Có lẽ từ những việc làm và cử chỉ trong sinh hoạt của anh. Ngạc nhiên hơn, mắm tôm, ruốc Huế với một người sinh ra và mấy chục năm ăn uống với thói quen ẩm thực từ người mẹ Pháp, thế mà Jimmy Nguyễn thử nếm lần đầu trong đời đã thấy ngon đáo để.

Hình như trong cái vị giác ấy đã tiềm ẩn một mối giao hòa. Anh còn cho biết, anh rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là những món ăn của miền Trung. Nhìn cách ăn uống tận tình, biểu lộ khoái cảm của anh, chúng tôi hiểu tất cả điều nói ra cũng tự đáy lòng. Toàn bộ cuộc sống hết sức mới lạ, lần đầu tiếp cận mà như đã từng neo đậu trong tiềm thức bước ra, Jimmy hành xử như một người Việt nên trở nên thân thiết với chúng tôi. Mọi thứ trước mắt hoàn toàn xa lạ nhưng hình như anh cảm nhận là quen lắm, như đã luân lưu từ trong máu thịt tự thuở nào.

Về quê, đến bất kỳ đâu anh cũng quay phim, chụp ảnh một cách chăm chú, theo dõi mọi diễn biến sự việc như muốn nắm bắt mọi chuyện. Về thắp hương ở từ đường tộc Nguyễn và nhà thờ quan Phụ chính mới được trùng tu sau đợt Hội Sử học Việt Nam về lập bia và gỡ cái án oan nghiệt đằng đẵng bao năm của ông, anh còn mang theo một bộ ảnh sưu tầm được về những ngày cuối đời bị lưu đày ở đảo Réunion của vị quan từng gây nhiều tranh cãi một thời. Anh lặng lẽ đào nắm đất ở những nơi linh địa rồi gói trong giấy báo để mang về bên kia đại dương.

Gặp đúng dịp ngày Tết, đi đâu anh cũng thấy hưng phấn bởi không khí Tết tràn ngập mọi nẻo đường làng, tỏ vẻ ngạc nhiên bởi sắc mai vàng rực rỡ từ trước sân vào tận trong nhà ở những nơi chúng tôi đến thăm. Jimmy cứ loay hoay thắc mắc về loài hoa kỳ lạ này trong không gian tâm thức ngày Tết Việt. Những ngày đầu năm, mưa xuân lắc rắc càng làm cho sắc mai thêm tươi thắm, nồng nàn, anh ngắm nghía ra vẻ ngỡ ngàng. Chúng tôi giải thích rằng đó là loài hoa biểu tượng cho ngày Tết, đặc biệt với người miền Trung khó mà hình dung Tết đến mà thiếu hoa mai. Trong tâm thức văn hóa Việt thì hoa mai là biểu tượng của sự thanh cao, cốt cách trinh bạch. Anh tỏ ra thích thú và xúc động như thể khám phá một điều gì rất bí ẩn của đời người, một thứ cảm thức mơ hồ và xa xăm chỉ có thể giải thích bằng linh cảm đã chìm đắm trong nhiều năm trước nơi anh.

Chiều ấy ngồi trong một khu vườn Huế, dưới cội mai già, Jimmy Nguyễn trở nên trầm ngâm nhìn theo những cánh hoa mai vừa rụng xuống bên thềm. Hỏi sao thế - Anh nhìn chúng tôi, rồi mới bắt đầu thổ lộ: Từ nhỏ sống với mẹ vì cha bận đi làm xa, anh có 2 người con gái, một đứa có tên là Hồng Mai, đứa kia là Hoàng Mai. Tên của 2 cháu do ông nội đặt trước khi mất. Những ngày còn sống, cha không hề giải thích vì sao 2 cháu có tên như thế, thậm chí anh không hề biết rằng đó là tên một loài hoa có ý nghĩa biểu tượng cho ngày xuân trong tâm hồn người Việt.

Lần đầu về quê cha mấy ngày Tết mới biết đến loài hoa mai cùng với ý nghĩa thiêng liêng của nó, đã mấy đêm rồi mất ngủ bởi anh nghĩ về cha với nỗi niềm cô đơn lưu xứ không biết bày tỏ cùng ai của người. Tất cả như một ký ức câm nín mà cha đã đeo đẳng mang theo cho đến ngày nhắm mắt… Chính thời gian trở về Việt Nam, anh thấm thía nhiều điều mà trước lúc khởi hành không thể nào ngờ được, nhất là hiểu được nỗi lòng sâu kín của cha, một người xa xứ gần 60 năm nhưng không bao giờ nguôi nhớ quê nhà, và cây mai ngày Tết… để rồi chỉ biết gởi vào nỗi hoài nhớ thiên thu ấy bằng cách đặt tên cho đứa cháu gái.

Ngày tiễn Jimmy về lại Pháp, anh bùi ngùi và hứa sẽ học tiếng Việt để 2 năm nữa sẽ trở lại Việt Nam. Khi chia tay, tôi tặng tấm hình có anh đứng dưới cội mai ở quê và chỉ nói rất nhỏ vừa đủ nhau nghe - Hoàng Mai, nhớ lắm.

HỒ SĨ BÌNH

Đọc thêm