5 giải pháp cho phát triển kinh tế cuối năm

(PLO) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều thử thách, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội các giải chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2013.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa
Một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế những tháng cuối năm là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất. Trong đó, Chính phủ sẽ tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp. Thúc đẩy hoạt động Công ty quản lý tài sản (VAMC), khai thông dòng vốn tín dụng. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu.
Việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách cũng là một mục tiêu quan trọng cần được triển khai. Theo đó, cần tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, công khai, minh bạch. Quản lý chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng là giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2013. Với giải pháp này, Chính phủ đề nghị cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, những dự án đang triển khai có thể hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho những tháng cuối năm, Chính phủ đề nghị cần tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong và ngoài nước, tăng sức mua thị trường, góp phần giảm hàng tồn kho. Tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu qua biên giới. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp chế biến.
Đối với nông nghiệp, cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghiên cứu cơ cấu cây trồng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất thức ăn chăn nuôi để từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Rà soát, phấn đấu điều chỉnh giảm những diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa, có thể chuyển sang cây trồng khác có lợi thế, thị trường, về lâu dài không làm thay đổi công năng sản xuất lúa.
Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, Chính phủ cũng đã đưa ra các giải pháp về xã hội như thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và việc làm. Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện quyết liệt đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm tính khách quan về tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu của chính sách, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Chiều nay, mở đầu phiên làm việc đầu tiên sau khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã tổ chức quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung. Theo lời của ông Nguyễn Hạnh Phúc – chủ nhiệm văn phòng Quốc hội -  đây là tấm lòng của các đại biểu nhằm giúp đỡ một phần cho những khó khăn của đồng bào miền Trung vừa phải trải qua hai cơn bão liên tiếp. 

Đọc thêm