Ánh mắt Việt Nam nửa thế kỷ ám ảnh viên phi công Mỹ

(PLO) -Khi đã về nước, người đàn ông Mỹ này vẫn không ngừng nhớ đến ánh mắt căm hờn của đứa trẻ Việt năm nào. Nhiều năm day dứt, ông đã tìm mọi cách tìm gặp lại thiếu niên đã bắt giữ mình khi xưa. Ông nuôi khao khát trở lại Việt Nam và người giúp thực hiện tâm nguyện này chính là con trai ông - Thomas Eugene Wilber. Cuối năm 2014, Thomas tìm về Nghệ An.
Hình minh họa
Hình minh họa

Những ký ức năm xưa dần được tái hiện như một thước phim quay chậm qua lời kể của ông Văn, đưa Thomas - con trai người lính Mỹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. 

Khi ông Văn kể lại từng chi tiết, từ chiếc dù màu đỏ trắng, đến bộ quần áo, đôi giày..., đôi mắt Thomas đỏ hoe. Ông lập tức cầm điện thoại và gọi video cho cha. Sau 47 năm, hai người đàn ông vốn ở hai chiến tuyến không ngờ gặp lại nhau. Ở đầu dây bên kia, ông Walter lúc đó đã 85 tuổi òa khóc như một đứa trẻ khiến ông Văn cũng rơi lệ. 

Trong lần nhảy dù bị mấy thanh thiếu niên Việt Nam bắt sống, ánh mắt căm hờn khó diễn tả của một thiếu niên đã ám ảnh viên phi công Mỹ suốt 47 năm trời. Khi trở về nước, người cựu binh vẫn ấp ủ mong ước tìm lại cậu bé năm nào tại đất nước xa xôi. 

Theo tâm nguyện của cha, con trai người lính Mỹ đã cất công thực hiện nhiều cuộc hành trình đến nơi cách nửa vòng trái đất. Cuộc hội ngộ đặc biệt sau gần nửa thế kỷ đã kết nối những con người vốn ở hai đầu chiến tuyến, trở thành câu chuyện tình người sâu sắc, xúc động.

Ký ức thời chiến

Gần nửa thế kỷ trôi qua, trong tâm trí ông Bùi Bác Văn (SN 1953, ngụ phường Hưng Phúc, TP.Vinh, Nghệ An) vẫn khắc ghi ngày đặc biệt diễn ra ở cánh đồng xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương, Nghệ An), nơi ông cùng gia đình tản cư vì chiến tranh. 

Đó là ngày 16/6/1968, máy bay Mỹ đang rải bom thì bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn hạ. Ông Văn mới 15 tuổi. “Lúc ấy, tôi đang ngồi trong nhà bỗng nghe tiếng nổ lớn, vội chạy ra ngửa mặt lên trời nhìn. Chiếc máy bay đang lao xuống đất. Cùng thời điểm đó, tôi thấy chiếc dù nhiều màu sắc bung ra, và có hình dáng người từ từ hạ xuống. Tôi cầm đòn xóc chạy theo hướng chiếc dù và hét “Đi bắt phi công!””, ông kể.

Lúc đó có hai người bạn chạy theo ông. Viên phi công tiếp đất, ngồi trên mô đất, một tay cầm bộ đàm, tay kia cầm súng. Ba người ông Văn tiến lại gần.

Ông nhớ lại: “Tôi cầm đòn xóc đánh vào tay cầm bộ đàm của viên phi công khiến bộ đàm rơi xuống đất. Cả ba chúng tôi lúc đó đều không biết đó là cái gì. Thấy nó cứ phát ra âm thanh nên người đứng sau tôi giằng đòn xóc và đập tiếp, nhưng không được nên chúng tôi nhấn nó xuống bùn”.

Ông Văn lúc đó thân hình ốm nheo, ốm nhách. Còn hai người đi cùng nhiều tuổi hơn. Viên phi công tên Walter Eugence Wilber, thuộc lực lượng Hải quân Quân đội Hoa Kỳ, cao gần 2m, bị kẹt giữa hai thanh niên dẫn đi, ông Văn đi sau.

Tuy nhiên, viên phi công vẫn cố ngoái đầu lại nhìn cậu bé loắt choắt cầm chiếc đòn xóc đi sau mình. Đôi mắt cậu bé có cái gì đó khiến viên phi công ám ảnh. Sau bốn năm tám tháng ở nhà tù Hỏa Lò với những nỗ lực giúp chấm dứt chiến tranh, viên phi công được trao trả tự do.

Nhưng khi đã về nước, người đàn ông Mỹ này vẫn không ngừng nhớ đến ánh mắt căm hờn của đứa trẻ Việt năm nào. Nhiều năm day dứt, ông đã tìm mọi cách tìm gặp lại thiếu niên đã bắt giữ mình khi xưa. Ông nuôi khao khát trở lại Việt Nam và người giúp thực hiện tâm nguyện này chính là con trai ông - Thomas Eugene Wilber. Cuối năm 2014, Thomas tìm về Nghệ An.

Hội ngộ sau nửa thế kỷ

Nhưng phải đến lần thứ hai sang Việt Nam, với sự giúp đỡ của nhiều người và cơ quan chức năng, Thomas mới thực hiện được ước nguyện của cha mình. Người Thomas tìm lại chính là ông Bùi Bác Văn. 

Đến hôm nay, ông Văn vẫn xúc động khi nhớ lại cuộc gặp gỡ bất ngờ. Chiều 11/1/2015, khi ông đang ngồi trong nhà bỗng xuất hiện ba vị khách đặc biệt, trong đó có một người ngoại quốc. Họ hỏi về vụ máy bay rơi ở xã Thanh Tiên vào năm 1968 khiến ông vô cùng ngạc nhiên.

Gần nửa thế kỷ qua, câu chuyện bắt sống phi công năm nào đã gần như ngủ quên trong ký ức của ông, không ngờ lại được làm sống dậy bởi một vị khách ở nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.

Trong buổi trò chuyện chiều hôm ấy, những ký ức năm xưa dần được tái hiện như một thước phim quay chậm qua lời kể của ông Văn, đưa Thomas đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thomas hỏi ông về những đặc điểm của người phi công bị ông bắt sống năm xưa. Khi ông Văn kể lại từng chi tiết, từ chiếc dù màu đỏ trắng, đến bộ quần áo, đôi giày..., đôi mắt Thomas ngoại quốc đỏ hoe.

Ông lập tức cầm điện thoại và gọi video cho cha. Sau 47 năm, hai người đàn ông vốn ở hai chiến tuyến không ngờ gặp lại nhau. Ở đầu dây bên kia, ông Walter lúc đó đã 85 tuổi òa khóc như một đứa trẻ khiến ông Văn cũng rơi lệ. 

Cũng từ đây, ông Walter kể lại cho ông Văn nghe về công việc, cuộc sống và mục đích chuyến hành trình của con mình. Rằng suốt nhiều năm qua, dù đã trở lại cuộc sống đời thường, nhưng trong tâm trí ông Walter lúc nào cũng nhớ đến ánh mắt của ông Văn khi còn là cậu thiếu niên bắt phi công. Ông Walter nhắc đến chi tiết cậu bé dùng gậy đánh vào tay cầm bộ đàm để gọi cứu viện chứ không phải vào tay đang cầm súng. 

“Chỉ đến lúc này, tôi mới hiểu ánh mắt của viên phi công cứ quay lại nhìn tôi vào hôm ấy. Qua điện thoại, người lính Mỹ nói rằng, suốt nhiều năm mong mỏi, đến giờ phút này ông đã thỏa ước nguyện. Đồng thời, ông hứa sẽ sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa”, ông Văn kể. 

Kỷ vật từ Việt Nam

Sáng hôm sau, ông Văn đã dẫn Thomas về thăm lại hiện trường máy bay rơi. Tại đây, ông Văn và một người bạn cùng tham gia bắt phi công ngày trước đã chỉ cho con trai của viên phi công vị trí máy bay rơi. Đặc biệt, đó chính là phần mộ chôn cất một phần thi thể người đồng đội của ông Walter tử trận ngày hôm đó.

Nói về điều này, ông Văn kể, hai ngày sau khi máy bay rơi, ông chạy ra nơi máy bay rơi để xem xét tình hình. Tất cả chỉ còn lại một đống đổ nát. Nhưng vì bản tính tò mò, ông đã lật tung các đồ vật và phát hiện một phần thi thể của người phi công còn lại.

Tuy hơi sợ, nhưng sau một hồi đắn đo, ông quyết định mang phần thi thể đó đi chôn cất ở gò đất cách đó vài chục mét. Sau đó, ông có lấy một bộ phận của chiếc máy bay, giống như chiếc bình về nhà đựng nước, làm chậu hoa.

Đồ vật mà ông Văn nhắc tới chính là một bộ phận của máy bay F4. Sau khi xem chiếc chậu hoa đặc biệt đó, Thomas đã liên lạc với Cục Hàng không Mỹ để tra cứu và xác nhận đó là một bộ phận của máy bay nằm phía trước cabin. Ông Văn đã trao chiếc “bình hoa” này cho Thomas để ông đưa về Mỹ cho người cha của mình. 

Qua điện thoại, ông Walter nói với ông Văn, nếu sức khỏe cho phép, ông sẽ sang Việt Nam. Nhưng ông Walter đã không thực hiện được tâm nguyện. Ông qua đời vào ngày 8/7/2015. Trước đó bốn ngày, Walter và ông Văn đã nói chuyện qua lời phiên dịch của các con. 

Ông Văn bùi ngùi nhớ lại: “Nằm trên giường bệnh, ông Walter lấy làm tiếc vì không được gặp tôi một lần nữa. Sau đó tôi gửi lời chào vĩnh biệt ông”. Theo di nguyện của cha, Thomas đã đặt chiếc bình hoa là một bộ phận của phi cơ F4 bên mộ của ông.

Giờ đây, trong ngôi nhà của ông Văn ở cuối phố, hai tấm ảnh của gia đình người lính Mỹ năm nào và ảnh gia đình ông được đặt cẩn thận trong cùng một chiếc khung, treo trang trọng giữa phòng khách. Từ trong đau thương của chiến tranh, tình người vẫn nảy sinh và nối dài qua các thế hệ.

Để thực hiện ước nguyện của người cha quá cố, Thomas Eugene Wilber đã tặng Bảo tàng Quân khu 4 một số kỷ vật mà người cha đưa về từ nhà tù Hỏa Lò. Đó là một bộ quần áo mới Walter Eugence Wilber được cấp phát trong ngày đầu tiên bước chân vào nhà tù; một bộ quần áo cũ mặc phía trong có tên viết bằng bút xóa; một chiếc khăn cá nhân 100% bằng cotton.

Ngoài ra còn có huy hiệu sỹ quan chỉ huy và phù hiệu mang tên Eugence Wilber là một phần trong bộ quân phục bay ông sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Theo cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, tất cả các kỷ vật này đang được Bảo tàng Quân khu 4 bảo quản và sẽ đưa ra trưng bày trong thời gian tới.

Đọc thêm