'Cán bộ ngông nghênh thì nói ai nghe'

(PLO) - Mới đây, Bí thư Hà Nội cảnh báo, cán bộ ngông nghênh thì nói ai nghe.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Để đảm bảo và giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của mình, hầu như ngành nghề nào cũng có những quy tắc ứng xử cần phải tuân thủ. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì những quy tắc ứng xử đó được nâng lên mức cao hơn, quy định thành luật. 

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định khác, trong nội bộ cơ quan hoặc tùy theo đặc điểm từng ngành nghề mà yêu cầu những người trong ngành đó phải có một thái độ ứng xử khác, ví dụ như ngành Hải quan yêu cầu nhân viên của mình phải cười với khách hàng.

Tuy nhiên, do không được thường xuyên rèn giũa, hay “bỏ quá” cho nhau nên trong đội ngũ cán bộ xuất hiện những hành vi phản cảm như đánh nhau, chửi dân, dùng côn đồ giải quyết mâu thuẫn,... thậm chí, còn có thái độ ngông nghênh nữa. Mới đây, Bí thư Hà Nội cảnh báo, cán bộ ngông nghênh thì nói ai nghe.

Tuần qua, xảy ra những chuyện làm dư luận hết sức bất bình bởi những hành vi rất phản cảm, làm méo mó hình ảnh nghề nghiệp của các an ninh sân bay.

Khách bỏ quên tiền ở sân bay, có người phát hiện ra, đem nộp cho người có trách nhiệm trả lại cho chủ. Thế mà người có trách nhiệm đó giữ lại chỉ khi vụ việc bị phát hiện mới đem trả. Đội trưởng an ninh đó giờ đã lên chức Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện, đào tạo đội ngũ an ninh sân bay. Một “người thầy” thiếu gương mẫu và có hành vi xấu như vậy thì “nói ai nghe” hoặc ngược lại, tình hình sẽ xấu đi rất nhiều nếu đội ngũ được đào tạo để đảm bảo an ninh ấy lại theo gương của ông thầy và lãnh đạo của mình!

Tương tự, một hành khách đi Thái Lan ra sân bay Nội Bài đánh rơi 5000 đô la và một số tiền đồng. Của rơi đó vào tay một nhân viên an ninh soi chiếu và anh ta dễ dàng truy cứu để tìm ra chủ nhân của món tiền này. Hành động khác thường là anh ta liên hệ với đại lý vé mà hành khách này đã mua, bắn tin gặp riêng anh ta để giải quyết. Sự việc đến nay vẫn nhùng nhằng và chưa được xử lý đến nơi, đến chốn, người đánh rơi tiền vẫn chưa nhận được tiền của mình dù biết là ai đang giữ nó.

Bài học đạo đức trong trường phổ thông là “nhặt được của rơi trả lại người mất” dường như các loại người như thế này không bao giờ thuộc. Thậm chí còn lợi dụng cương vị, trách nhiệm của mình hòng chiếm đoạt. Đặc biệt làm nghề an ninh mà hành xử như thế, liệu có “an ninh” cho mọi người không.

Một hệ quả nhãn tiền đối với sự thiếu gương mẫu của cán bộ là một Thường vụ tỉnh ủy Kon Tum xây biệt phủ trên đất nông nghiệp. Bà con chung quanh noi gương ấy, đoàn cưỡng chế đến xử lý hành vi trái phép của họ thì họ chỉ sang cái biệt phủ hoành tráng kia và bảo: “Cưỡng chế nhà kia đi thì tôi mới chấp hành!”.

Những hành vi ứng xử trên đây chẳng những gây bức xúc dư luận, làm xấu hình ảnh của chính mình và nghề nghiệp của mình mà còn ảnh hưởng không tốt đến bộ mặt của chế độ!

Đọc thêm