Giám sát quyền lực đối với đảng viên có chức vụ: Để 'con voi' không chui lọt 'lỗ kim'

(PLO) - Chuyện xử lý sai phạm của đảng viên và các lãnh đạo cấp cao không phải là chuyện mới, nhưng thời gian gần đây, quyết tâm chính trị này được đẩy lên cao hơn, quyết liệt hơn: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi việc khởi tố, bắt tạm giam, tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng - còn chưa lắng xuống thì vừa mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng.

Nhưng qua những vụ việc trên cũng cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát quyền lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược đang đặt ra nhiều vấn đề.

Sa ngã trước cám dỗ 

Có thể nói, các nhóm tội phạm về tham nhũng, cố ý làm trái hoặc tổ chức đánh bạc… đều thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rất rõ và biết trước được những hậu quả nguy hiểm có thể gây ra cho xã hội và cả bản thân. Với những cán bộ nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - đặc biệt là những cán bộ công an từng đứng đầu cơ quan làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm thì nhận thức chắc chắn phải “chín”, phải sâu hơn, nhưng họ vẫn cố ý thực hiện.

Đơn cử như vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên là một Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - lại bị lôi kéo, sa ngã và cuối cùng tha hóa thành một tội phạm.

Thông tin này thực sự gây sốc, một câu chuyện “động trời” đối với không ít người. Bởi ai cũng nghĩ đơn giản, khi đã là sĩ quan cao cấp, nghĩa là họ đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, được Đảng tôi luyện, thử thách qua nhiều vị trí công tác, không ít lần “nếm mật, nằm gai” cùng đồng đội trong các chuyên án tấn công, trấn áp tội phạm. Họ cũng từng vào sinh ra tử ở nhiều vụ án, thậm chí được đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao, nhưng cuối cùng lại sa ngã. 

Chắc hẳn nguyên nhân sẽ không nằm ngoài những bất cập trong công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ. Từ việc chọn sai người, bố trí cán bộ không đúng vị trí công tác - đặc biệt là người đứng đầu - ắt sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường trong bộ máy nhà nước: là tham ô, tham nhũng, thậm chí trở thành tội phạm nguy hiểm, gây mất niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là công tác giám sát quyền lực có nơi, có lúc còn quá lỏng lẻo. Trong khi chúng ta có hệ thống giám sát từ Trung ương đến tận cơ sở nhưng rất nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng được phát hiện là do báo chí và nhân dân. Không chỉ vậy, theo một số ý kiến, phẩm chất, năng lực của những người làm công việc giám sát, đánh giá cán bộ cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, tránh tình trạng kiểm tra, xử lý sai phạm này lại nảy sinh một sai phạm khác lớn hơn.

Nói như nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử - Hội Nhà báo Việt Nam thì “công việc đánh giá cán bộ lâu nay luôn là một việc khó, đồng thời giao việc cho cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra giám sát không khéo lại giao vào tay những cán bộ cơ hội, thực dụng thì không những không thanh lọc làm trong sạch được nội bộ mà còn vấy bẩn thêm chủ trương mà chúng ta muốn thực thi”.

Ngăn ngừa sớm, hậu quả sẽ không nặng nề

Qua nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy, quá trình thực hiện hành vi phạm tội của những đảng viên thoái hóa, biến chất diễn ra trong một thời gian khá dài, nhưng rất tiếc là lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng như cấp ủy Đảng - do buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo nên không phát hiện kịp thời.

Chính vì vậy, một số ý kiến cho rằng, để cán bộ, đảng viên mất dần phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng là do công tác kiểm tra, giám sát không thường xuyên hoặc có làm nhưng còn hình thức, chưa đi vào thực chất và thiếu tính công khai, minh bạch.

Cụ thể hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương thừa nhận, nếu phát hiện sớm thì những vi phạm nhỏ không trở thành những vi phạm lớn và gây ra hậu quả nặng nề. “Nhiều đồng chí cấp cao khi đứng trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói: giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề. Và đúng như vậy” - bà Ngà cho biết. 

Chuyện xử lý sai phạm của đảng viên và các lãnh đạo cấp cao không phải là chuyện mới, nhưng thời gian gần đây, quyết tâm chính trị này được đẩy lên cao hơn, quyết liệt hơn: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”…

Ngay trong những ngày đầu năm 2018, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, trong đó có vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dư luận và nhân dân vô cùng phấn khởi trước việc xử lý cán bộ sai phạm hiện nay không phải là “xử lý nội bộ” nữa; nhiều đảng viên với cương vị lãnh đạo cao từ Trung ương tới địa phương hoặc bị cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Bí thư Thành ủy, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cũng sẽ không còn quan niệm “hạ cánh an toàn”, “chết là hết”… Theo quy định này, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì vẫn bị xử lý theo quy định. Tương tự, đối với đảng viên qua đời, sau đó mới phát hiện có vi phạm thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật nếu đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,  khi cái “lò” chống tiêu cực, tham nhũng đã nóng lên và tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm, được toàn dân đồng tình, ủng hộ thì việc xử lý những cán bộ sai phạm sẽ không còn “vùng cấm”. Nhưng quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản bằng pháp luật và các quy định, quy chế. Nói cách khác là phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” luật pháp, đồng thời là phải đổi mới, tăng cường kiểm tra và giám sát của Đảng đối với những đảng viên có chức vụ để “con voi” không thể chui lọt “lỗ kim”.

Đọc thêm