Hà Nội khánh thành 4 dự án trọng điểm quốc gia

(PLO) - Các dự án sắp được đưa vào sử dụng đó là: Nhà khách VIP A; Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.
Ngày 04/01/2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng các dự án: Nhà khách VIP A; Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.
Đây là những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ Nhà khách VIP A), các dự án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng.

Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài

Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 được khởi công ngày 04/12/2011 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 01 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Công trình do Liên danh nhà thầu Taisei – Vinaconex thi công, đơn vị tư vấn là JAC (Japan Airport Consultant). Sau gần 03 năm triển khai thi công, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. 

Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục được những hạn chế trong quản lý và khai thác, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa Cảng HKQT Nội Bài và các cơ quan quản lý Nhà nước như Hải quan, Công an, Y tế, các hãng hàng không và các đơn vị phục vụ để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại đang quá tải, bảo đảm chất lượng phục vụ thuận tiện cho hành khách.

Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài có diện tích sàn 139.216 m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế. Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế. Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế. Tầng 04: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.

Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030). Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Nội Bài hoàn thiện với đầy đủ các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách đi tàu bay. Đến thời điểm khai thác, các dịch vụ tiện ích cho hành khách đi máy bay tại Nhà ga hành khách T2 gồm có: Dịch vụ thông tin hướng dẫn hành khách (Information), dịch vụ y tế cấp cứu hành khách, dịch vụ thu đổi ngoại tệ, hoàn thuế dịch vụ thông tin du lịch, dịch vụ bưu điện, dịch vụ bách hóa, lưu niệm, ăn uống giải khát, quầy vé giờ chót, dịch vụ phục vụ khách VIP, khách hạng thương gia…

Dự án Nhà khách VIP A, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Dự án Nhà khách VIP A – Cảng HKQT Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh CPG (Singapore)- PAE (USA).  Dự án được khởi công xây dựng ngày 19/5/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Dự án Nhà khách VIP A được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”, lấy ý tưởng từ hình ảnh của các vườn cảnh và sự tĩnh lặng của mặt hồ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bộ GTVT.
 
Dự án Nhà khách VIP A được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”, lấy ý tưởng từ hình ảnh của các vườn cảnh và sự tĩnh lặng của mặt hồ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bộ GTVT.

Nhà khách được bố trí trên khu đất rộng 26.100m2 trong đó diện tích nhà chính vào khoảng 5.000m2.  Nhà khách có phía Tây giáp với Nhà ga quốc tế T2 mới được đầu tư, phía Đông giáp với Nhà ga trong nước T1 mở rộng, phía Bắc giáp với sân đậu máy bay, phía Nam giáp với đường nội cảng Nhật Tân - Nội Bài. Với vị trí đó, Nhà khách – Cảng HKQT Nội Bài rất thuận tiện trong việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.

Nhà khách được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”, lấy ý tưởng từ hình ảnh của các vườn cảnh và sự tĩnh lặng của mặt hồ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Phần mái nhà được cách điệu như một cánh hoa sen lớn với những ô lấy sáng được cách điệu với hình ảnh những đài sen vươn lên từ lòng hồ mà phía dưới là phần thân nhà khách. Các góc sân vườn được thiết kế tạo sự cảm nhận ánh sáng ban ngày lan tỏa sâu vào các phòng khách chính. Xung quanh nhà khách là các hồ nước kết hợp với cây xanh, tạo cho nhà khách có cảnh quan giản dị, thanh cao nhưng nồng ấm và sang trọng.
Bên trong Nhà khách VIP A – Cảng HKQT Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh CPG (Singapore)- PAE (USA). Ảnh: Bộ GTVT.
 
Bên trong 
Nhà khách VIP A – Cảng HKQT Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh CPG (Singapore)- PAE (USA). 
Ảnh: Bộ GTVT.

Việc khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà khách VIP A cùng với Nhà ga quốc tế  T2 có ý nghĩa rất quan trọng và tạo bước phát triển mới đối với Cảng HKQT Nội Bài. Các công trình Nhà ga quốc tế T2, Nhà ga quốc nội T1, Nhà ga quốc nội T1 mở rộng và  Nhà khách – Cảng HKQT Nội Bài kết nối với nhau tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với các trang thiết bị hiện đại, quy trình quản lý và vận hành tiên tiến, góp phần nâng cao công suất, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của Cảng HKQT Nội Bài; đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo sự trang trọng khi đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước, các đoàn ngoại giao quốc tế đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu

Dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và Bộ GTVT quyết định đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế JICA); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và vốn giải phóng mặt bằng của UBND TP.Hà Nội.
Các hạng mục thi công chính của Cầu Nhật Tân đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác. Ảnh: Bộ GTVT.
 Các hạng mục thi công chính của Cầu Nhật Tân đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác. Ảnh: Bộ GTVT.
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ VNĐ. Tổng chiều dài của dự án  là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có tổng chiều dài L = 3.755,0m với bề rộng mặt cầu B = 33,2m, trong đó: Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1500m, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản mặt cầu Bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép (SPSP); Phần cầu dẫn là cầu dầm hộp BTCT DƯL và cầu dầm Super - T.  
Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, trong đó: đường dẫn phía Bắc có chiều rộng (70¸100)m, đường dẫn phía Nam có bề rộng 64m.  Dự án có 03 nút giao,  trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và đường QL5 kéo dài. Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới.
Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép (SPSP).

Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân

Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. 
Đồng thời đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; Hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn thành phố Hà Nội.
Đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài có chiều dài 12,1km, tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Ảnh: Bộ GTVT.
Đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài có chiều dài 12,1km, tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Ảnh: Bộ GTVT. 

Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế V=80Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô V=40Km/h

Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên Tư vấn và Nhà thầu sẽ kiểm tra, rà soát để hoàn thiện một số hạng mục ngoài chính tuyến như vỉa hè, hoàn trả hệ thống giao thông thủy lợi của địa phương, gia cố mái dốc. 
Bên cạnh đó, Nhà thầu sẽ tiếp tục thi công các hạng mục bổ sung để nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác của Dự án như hệ thống hàng rào, các công trình kết nối, một số nội dung tăng cường an toàn giao thông.

Đọc thêm