Cha mẹ và bản thân các em gái, phụ nữ nên hướng dẫn và tự bổ sung cho mình kỹ năng “kêu” cho hiệu quả khi đối diện với hành vi quấy rối trên xe buýt. (Ảnh minh họa) |
Hoảng sợ không dám kêu
Mai Anh kể: “Do tính chất công việc nên mình thường tan ca lúc 22 giờ tối. Tầm đó là gần đến chuyến cuối của xe buýt nên lượng người tham gia rất đông, có chuyến đông quá mình thường phải “bấm bụng” chờ tuyến xe cuối. Lần nào nhỡ chuyến xe đó là mình lại gặp kẻ “biến thái”. Lần đầu tiên đi tuyến xe cuối cùng, lúc đó mình mệt quá và ngồi sát cửa sổ ngủ thiếp đi. Một lát sau, thấy người kế bên cứ ngồi sát vào người. Nhìn qua, thấy tay người đó cứ mân mê bộ phận nhạy cảm của họ ở dưới chiếc áo khoác mà thấy rùng rợn. Mình vội vàng đứng dậy, chuyển chỗ đứng khác”.
Sau lần đó, mỗi lần đi xe cứ với lấy cái thanh nắm của xe buýt là Mai Anh lại túm vội túi xách che ngang ngực và cảnh giác với mọi hành động xung quanh. Nhiều lần cô còn chứng kiến kẻ “bệnh hoạn” cứ đứng sát vào một cô nữ sinh trẻ, tay thì sờ soạng đằng sau mông khiến cô nữ sinh run sợ, trên trán lấm tấm mồ hôi nhưng cũng chẳng dám lên tiếng. Còn Mai Anh và một số người khác chứng kiến cũng chỉ biết im lặng.
Khác với câu chuyện của Mai Anh, Liên (sinh viên năm cuối của đại học Công nghiệp) lại rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Hôm đó, Liên vừa lên xe buýt chưa ổn định được chỗ ngồi thì thấy bàn tay nắm gần vào ngực cô. Do phản xạ tự nhiên, Liên gạt phắt ra và hướng đôi mắt dò xét vào người đàn ông chạc 40 tuổi. “Lúc đó mình tức lắm, tưởng người đàn ông sẽ phải xấu hổ với hành vi “bệnh hoạn” của mình, nhưng không. Ông ta còn cười hềnh hệch và có ý giễu cợt. Lúc đó, mình chỉ còn cách nhìn ông ta bằng ánh mắt khinh bỉ và di chuyển đến chỗ khác ngồi” - Liên kể.
Mở tuyến xe buýt riêng cho phụ nữ – liệu có khả thi?
Hà Nội vừa chỉ đạo nghiên cứu thí điểm loại xe dành riêng cho phụ nữ. Theo đó, tại những khu vực đông nữ công nhân, nữ học sinh, sinh viên đi lại bằng xe buýt, sẽ thí điểm một số tuyến phục vụ riêng đối tượng này vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt. Lý do để nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ là do kết quả khảo sát 2.046 người tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hàng năm Sở Giao thông Vận tải cũng có nhiều biện pháp để người dân biết tự vệ, có kênh thông tin để người dân phản ánh kịp thời và nhận sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay 100% xe buýt có hệ thống đường dây nóng của các Trung tâm chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp và cơ quan quản lý xe buýt là Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, nữa là số điện thoại Cảnh sát Hình sự 142. Ngoài ra, hàng năm phía Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức tuyên truyền văn hóa xe buýt, tuyên truyền cách ứng xử văn minh trên xe buýt nhằm tác động vào ý thức của người dân.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, nếu người bị hại không lên tiếng thì rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Hơn nữa, hành vi quấy rối tình dục “nhạy cảm”, không để lại hậu quả, bằng chứng… nên không thể đưa ra xét xử theo pháp luật. “Không tố cáo thì không thể xử lý, phải có sự phối hợp của bên bị hại yêu cầu nhận hỗ trợ, cung cấp địa chỉ tố cáo thì phía cơ quan mới có biện pháp xử lý”, ông Hải nói.
Về giải pháp nghiên cứu xe buýt dành riêng cho phụ nữ vào giờ cao điểm, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải cho rằng, tình trạng phụ nữ bị quấy rối trên xe buýt là có và xảy ra tại nhiều nơi chứ không riêng Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu chọn giải pháp mở tuyến xe buýt riêng cho phụ nữ thì không mấy khả thi bởi tại Hà Nội, nam giới đi xe buýt chiếm số lượng lớn hơn nữ. Nếu tổ chức thí điểm xe buýt cho nữ thì Tổng Công ty Vận tải Hà Nội ngoài tổ chức đội xe còn phải bố trí cả nhân sự để phân loại hành khách nam và nữ, tạo ra sự xáo trộn. Tình trạng quấy rối tình dục xảy ra tại nhiều nơi, nhiều tuyến điểm chứ không riêng một tuyến cố định.
Điều cần làm trước hết, nên tự bổ sung cho mình kỹ năng “kêu” cho hiệu quả khi đối diện với hành vi quấy rối trên xe buýt. Như hướng dẫn của ông Đào Lê Hòa An, Giám đốc Chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, ví dụ, có thể quay ra lớn tiếng với đối tượng để mọi người sẽ quay ra nhìn khiến đối tượng cảm thấy xấu hổ; hoặc giả vờ lấy điện thoại ra gọi cho người thân, bạn bè hẹn đón. Như vậy, đối tượng sớm từ bỏ ý định theo sát, làm hại.