Không cho cơ hội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

(PLO) - Chiều qua (3/11), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với nhiều điểm mới đáng lưu ý nhằm nâng cao chất lượng Quân đội nhân dân, đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng tân binh nhập ngũ
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng tân binh nhập ngũ
Tờ trình của Chính  phủ nêu rõ, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng. Vì vậy, Dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Đề nghị giữ nguyên tuổi gọi nhập ngũ
Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng. Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, để nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội cần phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp đổi mới công tác tuyển quân; đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, hiện đại hóa trang thiết bị huấn luyện, khắc phục những hạn chế trong việc đào tạo, biên chế, sử dụng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở những vị trí then chốt cần chuyên môn kỹ thuật cao và các đơn vị làm nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.
Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, hạn chế tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ. Vì vậy, Dự án Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, một số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như hiện hành vì những vướng mắc vừa qua trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện. 
Chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh, sinh viên chính qui
Để khắc phục những “kẽ hở” trong chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ đang bị lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, Dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”. 
Đồng thời, để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, Dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Tuy đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhưng vẫn đề nghị rà soát để phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 
Cũng theo Tờ trình, một số chế độ, chính sách về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật hiện hành không còn phù hợp, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nên Dự án Luật bổ sung quy định về trợ cấp học nghề; ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm; trong thời gian tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

Đọc thêm