Kỷ luật cán bộ - không có vùng cấm

(PLO) - Trước thềm Kỳ họp Quốc hội diễn ra các cuộc tiếp xúc cử tri, một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm là việc xử lý các cán bộ nhà nước mắc sai phạm trong quá khứ cũng như hiện tại. Quan điểm của những người lãnh đạo đều cho rằng “không có vùng cấm” đối với bất kỳ ai trong việc này.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Trên thực tế, một loạt cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp đã bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ sai phạm mà mình gây ra, không loại trừ kể cả việc xử lý hình sự. Điều đó cho thấy, sự “mạnh tay”, không nương nhẹ, bỏ qua hoặc chỉ “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” đối với công tác tổ chức cán bộ hiện nay.

Rất đáng quan tâm là các vụ việc do báo chí phản ảnh, dư luận lên tiếng không bị “chìm xuồng” mà kịp thời có những động thái xem xét và xử lý ngay như việc con gái Bí thư Huyện ủy bổ nhiệm từ viên chức lên lãnh đạo hoặc Cục trưởng quan hệ bất chính ở Gia Lai, các cán bộ đã cấp “sổ đỏ” đất rừng cho cựu Thường vụ Tỉnh ủy ở Đắk Nông có đến 9 người bị kỷ luật, hàng loạt lãnh đạo công ty môi trường ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị khiển trách đến cách chức vì để xảy ra nhiều sai phạm,...

Có những sai phạm xảy ra trước đây từ những năm 2010 cũng bị phanh phui, xử lý như việc ở Gia Viễn (Ninh Bình), cảnh cáo Chủ tịch huyện này và một loạt cán bộ xã có những sai phạm tài chính nghiêm trọng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng,...

Tuy nhiên, có những việc xử lý khiến dư luận không khỏi thắc mắc như việc cho ông Võ Kim Cự thôi làm đại biểu Quốc hội với “lý do sức khỏe” đúng như lý do ông này viết trong lá đơn của mình. Dư luận cho rằng, miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội mới xứng đáng với các sai phạm của ông gây ra, “cho thôi” là một sự nương tay quá nhẹ. Hoặc, trước hiện tượng xảy ra ở nhiều địa phương đã cấp chế độ cho các “thương binh giả” gây thất thoát cho ngân sách một khối lượng tiền khổng lồ mà các cán bộ gây ra chuyện này vẫn vô can, chỉ có một số người bị xử lý mà thôi. Cần rà soát lại toàn bộ việc này trên phạm vi cả nước và đưa những cán bộ chính sách tiếp tay, làm hồ sơ giả ra trước ánh sáng pháp luật.

Hiện tại đang diễn ra phiên tòa xử 5 cán bộ địa chính xã và huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) với hơn 200 người liên quan, gây thất thoát hơn 26 tỷ đồng trong việc đền bù xây dựng thủy điện vào năm 2011. Vụ việc này bị báo chí phanh phui từ năm 2013 và đáng chú ý là hiện tại khi vụ án này được đưa ra xét xử công khai thì nhà báo đến dự, đưa tin vẫn bị côn đồ hăm dọa. Cán bộ sai phạm, bị xử lý mà vẫn có giang hồ “bảo kê” là một tình tiết hết sức cần lưu ý và làm rõ! Đó không phải là “vùng cấm” mà là sự xâm nhập vùng cấm pháp luật, cần loại trừ!

Đọc thêm