Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua luật Trưng cầu ý dân

(PLO) - Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì thế, quyền này cần được luật hóa bằng Luật Trưng cầu ý dân (TCYD).
Người dân đi bỏ phiếu. Ảnh minh họa
Người dân đi bỏ phiếu. Ảnh minh họa
“Trọng dân, tin dân” 
Trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm vừa qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. 
Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng ; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách. 
Tuy nhiên, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân (TCYD), mặc dù TCYD luôn là một quy định pháp lý hiến định. 
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật TCYD là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. 
Vì thế, theo đa số các chuyên gia và ĐBQH, xây dựng Luật TCYD là hoàn toàn phù hợp với tư tưởng xây dựng một xã hội dân chủ và quan điểm lấy dân làm gốc của Đảng và Nhà nước ta, là điều kiện tốt để người dân trực tiếp thể hiện ý chí, quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. “Đây là bước tiến bộ lớn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội nước ta, thỏa mãn sự mong đợi của nhân dân kể từ khi có Hiến pháp năm 1946, phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới” – ông Đỗ Ngọc Niễn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận nhận xét.
Thực ra, từ trước đến nay chúng ta vẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế dân chủ ở cơ quan. Theo đó, việc lấy ý kiến của người dân hay của cán bộ, công chức luôn được thực hiện nhằm đảm bảo cho việc tiến hành các công việc của Nhà nước cũng như công việc của chính quyền phù hợp với nguyện vọng của người dân. 
Nên “việc tạo ra một hành lang pháp lý cho việc trưng cầu ý dân bằng việc ban hành một văn bản luật tôi nghĩ rất cần thiết. Tuy nhiên, quy định như thế nào để cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có dự kiến được vấn đề nảy sinh trong tương lai để điều chỉnh” – ông Nguyễn Sỹ Cương,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lưu ý.
Tôn trọng ý dân nên trưng cầu dân ý
Cho rằng đây là “một dự án luật khó vì là lần đầu tiên được dự thảo và có những quan điểm và có những cách tiếp cận khác nhau về việc luật hóa thêm một bước nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay”, nhiều ý kiến quan tâm đến những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD. Bởi nội dung đưa ra TCYD có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước nên xác định được các vấn đề này sẽ là tiền đề chắc chắn cho người dân được trực tiếp thể hiện quyền lực của mình thông qua trưng cầu ý dân với các vấn đề trọng đại của đất nước như mục tiêu xây dựng luật, chứ không chỉ là quyền được “qui định cho có”.
Theo đa số, Dự thảo Luật TCYD chỉ cần quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra TCYD. Ông Lưu Thành Công – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhận xét: “Đây là quy định mở, tạo cho luật có sức sống lâu dài”. Nhưng vẫn còn ý kiến lo ngại nếu Dự thảo Luật không quy định rõ, liệt kê những vấn đề nào được đưa ra TCYD thì khó đảm bảo tính khả thi, khó tránh tình trạng “vì luật qui định chung chung nên khi thi hành thì không có vấn đề nào cần TCYD”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phân tích:  “Vấn đề đưa ra TCYD là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra TCYD thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được”. Cùng quan điểm này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra TCYD phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định nên khó có thể quy định cụ thể trong Luật. 
Do đó, trong Luật TCYD nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra TCYD. Theo đó, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng  quyết định của người dân./.

Đọc thêm