Thưởng tiền tỷ vẫn không nhiều người tố tham nhũng?

(PLO) - Từ 1/5/2015, mức thưởng cao nhất lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỷ đồng) được áp dụng cho người tố cáo tham nhũng trong trường hợp “giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở”. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Song, dường như khen thưởng chưa thể đủ động lực cho người dân “dám” tố cáo tham nhũng, khi theo Tổ chức Hướng tới minh bạch thế giới, chỉ có 38% người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng. 
Tiền thưởng không quyết định được 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhiều lần khẳng định về vai trò của người dân trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng (PCTN) và cho rằng, “cần tổ chức các kênh để người dân, các thành phần, khu vực trong xã hội có thể tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến thiết thực về PCTN”.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng nhận định, bất kỳ nỗ lực PCTN nào cũng sẽ không thể thành công nếu không dựa trên nguyện vọng của người dân, đáp ứng yêu cầu của người dân và có sự tham gia của người dân, nên việc thu hút sự tham gia của người dân luôn được coi là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để PCTN. 
Ngoài việc vận động, khuyến khích người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ PCTN, việc khen thưởng bằng giá trị vật chất và tinh thần đã được áp dụng. Nhưng qui định về mức tiền thưởng “khủng” không có nghĩa là người dân sẽ bớt “rụt rè” tố cáo tham nhũng khi phải đổi diện với sự phức tạp và nguy hiểm của loại tội phạm tinh vi, nhiều “quyền lực” này.
Nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ ra, vấn đề không nằm ở chỗ mức thưởng tố cáo tham nhũng là bao nhiêu mà quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. 
Thu hẹp đầu mối tiếp nhận tố cáo tham nhũng
Vì lo sợ cho an toàn của bản thân và gia đình, nhiều người phải chọn cách tố cáo “nặc danh” mà theo qui định, loại tố cáo này lại không được xem xét. Như vậy vô hình trung các cơ quan chức năng đã mất đi một nguồn thông tin quan trọng để phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng. Hơn nữa, chưa biết nhận được bao nhiêu tiền thưởng nhưng có khi “chờ được mạ thì má đã sưng” thì không nhiều người muốn tố cáo tham nhũng. 
Còn ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, nếu không khắc phục được sự lỏng lẻo của cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay thì với nỗi sợ bị “xử” để “diệt khẩu” sẽ không nhiều người dám lên tiếng tố cáo tham nhũng. 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đinh Xuân Thảo có quan điểm, không nên quy định quá nhiều đầu mối tiếp cận người tố cáo tham nhũng để hạn chế rò rỉ thông tin về người tố cáo tham nhũng, giúp họ tránh được những rủi ro trong quá trình cùng các cơ quan chức năng củng cố căn cứ, chứng cứ pháp lý để chống tham nhũng. 
Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng “ngâm đơn” tố cáo, chần chừ phản hồi thông tin là nguyên nhân khiến người dân “không thèm” tố cáo tham nhũng. Khắc phục điểm yếu này là một giải pháp để khuyến khích được nhiều hơn người dân tham gia tố cáo tham nhũng, tạo thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu đầy cam go với vấn nạn tham nhũng. 

Đọc thêm