Xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật

(PLVN) - Đó là kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị lấy ý kiến các Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam các thời kỳ vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hội nghị do Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 5/11.
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, đầy đủ, rõ ràng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. 

Văn kiện kỳ này tiếp tục nhấn mạnh về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung những nhân tố mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhắc tới tình trạng tham nhũng, lãng phí còn xảy ra tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho hay: “Tình trạng này ai cũng thấy rõ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước”.

Bên cạnh đó, việc tổng kết công tác xây dựng và thi hành điều lệ Đảng đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nhân dân đều thấy rõ. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những đảng viên liên quan đến những vụ án hàng tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng làm nhân dân tâm tư.

Tán thành với đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định trong 5 năm qua, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tích hầu như trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng đã khôi phục niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Ông Túc đề nghị trong nhiệm kỳ tới việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né, như thế mới giúp cho đồng chí của mình tiến bộ.

Cùng quan điểm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Vũ Trọng Kim nhìn nhận, tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân. Theo ông Kim, tham nhũng sinh ra có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Để ngăn chặn tham nhũng cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ông Vũ Trọng Kim cũng nhấn mạnh tới việc phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được nhân dân tin cậy. “Để sớm sánh vai các cường quốc năm châu, không có động lực nào hơn là sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc phải được khơi dậy và phát huy cao độ.”- ông Kim nói.

Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc con người Việt Nam 

Nhắc tới vấn đề phát triển văn hóa - xã hội, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cần nhấn mạnh vào việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc con người Việt Nam và đánh giá sâu sắc, đồng bộ về lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập.

Bởi theo bà, một quốc gia muốn phát triển phải đầu tư cho giáo dục-đào tạo, phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh, hiện đại nhưng các đột phá nêu trong dự thảo văn kiện chưa nhấn mạnh đến những yếu tố đó.

Bà Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục - từ bậc mầm non đến đại học, bởi đó là con đường dẫn đến tri thức. Trong đột phá xây dựng chiến lược hạ tầng, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong trường học.

“Nếu chúng ta quan tâm con người là yếu tố quyết định thì cần thay đổi tư duy trong vấn đề này. Cần quan tâm cho giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, chứ hiện nay mới chỉ quan tâm đến giáo dục chính quy. Một xã hội học tập mới là con đường dài”- bà Nguyễn Thị Doan nhận định.

Cho rằng, nếu “mất rừng là một nguy cơ lớn”, sẽ liên tiếp xảy ra thiên tai, nhân họa gây thiệt hại về người và tài sản, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị phải có giải pháp mạnh hơn trong vấn đề bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, đó là việc làm có ý nghĩa chiến lược nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

“Phải bằng các giải pháp phi thường, phải giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc làm nghề rừng, giúp đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang bảo vệ rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc để trồng rừng; phải lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, dùng Luật tục dân tộc để bảo vệ rừng”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Đề cập đến ba đột phá chiến lược, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, đột phá về thể chế là quan trọng nhất, là bước đi mở đường. Đồng thời ông đề nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai theo hướng mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, tăng thêm quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong nước để phát huy nội lực mạnh mẽ hơn. Cùng với đó cần tuân thủ quy luật thị trường về đất đai, như quan hệ cung - cầu thể hiện bằng chính sách giá cả…

Trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ông Kim đề nghị cần thể chế hóa mạnh mẽ hơn, thực chất hơn vai trò quan trọng của Mặt trận, đoàn thể và của công dân; đặc biệt là việc giám sát cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

Thay mặt Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao UBTƯ MTTQ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã triển khai nhanh, kịp thời, bài bản các Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ông Hải khẳng định, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII. 

Đọc thêm