Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới diễn ra trong 2 năm 2008 và 2009 đã để lại những hậu quả nặng nề trong sự phát triển của hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng đã đem lại những bài học quý giá cho việc nhìn nhận đúng bản chất của phát triển trong một trật tự mới của thế giới; mà trong đó, các quốc gia đang phát triển luôn có cơ hội tìm kiếm một hướng đi thích hợp cho mình...
|
|||
Vai trò Chủ tịch AIPA của Việt Nam trong giai đoạn hậu khủng hoảng cần được khẳng định. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đức Kiên trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị AIPA tại Đà Nẵng.( Ảnh: N.T ) |
Theo ông Ferrari Roemawi, Trưởng đoàn đại diện của Nghị viện Indonesia tại Hội nghị Liên nghị viện các nước Hiệp hội Đông Nam Á (AIPA) diễn ra vào hai ngày 8 và 9-3 vừa qua tại Đà Nẵng, thì các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới đã chịu tác động bất công, do cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu vừa qua là khởi nguồn từ các nước phát triển. Việc chịu tác động này được thể hiện qua 3 hình thức: giá cả, hàng tiêu dùng, đầu tư và ngoại hối; trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước đang phát triển mới chập chững bước vào xu thế hội nhập kinh tế thế giới và toàn cầu hóa. Với các quốc gia này, do tác động lâu dài của một giai đoạn bảo hộ mậu dịch chuyển sang tự do mậu dịch, chưa có kinh nghiệm và khả năng ứng phó trước những biến đổi của thị trường, nên phải chịu những hậu quả nặng nề.
Ngay cả với một đất nước như CHDCND Lào - nơi ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nhất, bà Souvanpheng Bouphanouvong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Kế hoạch-Kinh tế của Quốc hội Lào cho biết, dù chưa có những con số thống kê chính thức, vẫn cho thấy khó khăn nhất định trong giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân do việc thu hút đầu tư bị chững lại; ít nhất có từ 5-6 doanh nghiệp dệt-may bị đóng cửa; việc xuất khẩu khoáng sản (chủ yếu là đồng và vàng) cũng bị tác động do giá cả giảm, sức mua không cao; đầu tư nước ngoài có dấu hiệu sụt giảm trong năm qua...
Nói như ngạn ngữ Việt Nam “Trong cái khó ló cái khôn”; dường như trước những thách thức đối với các nước đang phát triển (đang chiếm số đông trong khối ASEAN) thì việc lựa chọn những đường lối phát triển mới luôn là những ưu tiên hàng đầu sau khi mỗi quốc gia nhìn nhận được chính mình trong lúc hoạn nạn này.
Theo nghị sĩ Sen Datuk Akhbar B. Ali (Malaysia), thì ưu tiên hàng đầu sau khủng hoảng của đất nước này chính là tìm kiếm hướng phát triển về công nghệ sạch, bảo đảm cho mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng tôi tập trung cho phát triển bền vững, khai thác các nguồn lực, bảo vệ môi trường, kích thích phát triển kinh tế trong nước, phát triển công nghệ thân thiện với môi trường... nhằm mục tiêu mọi người dân đều được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ theo chủ trương “Một Malaysia”-Nghị sĩ Sen Datuk Akhbar B. Ali nhấn mạnh. Trong khi đó, bà Souvanpheng Bouphanouvong cho biết, Quốc hội Lào đang hướng đến việc cải thiện môi trường pháp lý thông qua việc sửa đổi một số bộ luật quan trọng nhằm thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại... Bà cho biết, Quốc hội đang thực hiện việc sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài, khuyến khích tiêu thụ nội địa, cân đối thu-chi ngân sách... đồng thời tăng cường công tác theo dõi, giám sát, nhất là tính minh bạch trong thực hiện các chính sách của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề khủng hoảng.
Còn đối với Việt Nam - nơi sớm bước ra khỏi khủng hoảng, thì bài học lớn nhất rút ra chính là việc sớm xác định được mục tiêu phát triển bền vững, mà căn cứ trên đó để hoạch định những chính sách ngắn hạn và trung hạn. Một tam giác phát triển bền vững mà Việt Nam đưa ra, đó chính là tạo nên mối liên kết phát triển tam giác giữa kinh tế, xã hội và môi trường, lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững. Chính vì thế, trong cuộc khủng hoảng vừa qua, cùng với những chính sách tiền tệ-tài chính, tái cấu trúc nền kinh tế... thì điều quan trọng Việt Nam làm được chính là quan tâm giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, tập trung cho những đối tượng yếm thế trong xã hội và những vùng khó khăn, chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng và lạm phát...
Ở một góc nhìn khác, ông Ferrari Roemawi cho rằng, không chỉ là vấn đề của mỗi nước, mà để đối phó với giai đoạn hậu khủng hoảng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong AIPA để thúc đẩy cơ chế và lập trường nhằm hướng đến cải cách hệ thống tài chính quốc tế. “Quan trọng là phải có hành động tập thể để định hình cấu trúc tài chính-tiền tệ mới nhằm khôi phục lòng tin trong phát triển” - ông Ferrari Roemawi nhấn mạnh đến việc kết nối giữa các nước đang phát triển trong khối ASEAN nhằm có tiếng nói nhất định thúc đẩy quá trình giải quyết hậu khủng hoảng.
Như vậy, rõ ràng, cùng với động thái của mỗi quốc gia, thì việc đưa ra yêu cầu kết nối là rất cần thiết - nhất là đối với những nước đang phát triển, nhằm đối phó với những vấn đề hậu khủng hoảng và phát triển bền vững của khu vực.
Đây cũng chính là trọng trách được đặt lên vai Việt Nam trong năm 2010 - Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và Chủ tịch ASEAN!
Anh Quân