Truân chuyên đời nghệ sĩ

Trong phim Khóc thầm, người bà nghèo khổ đi đâu cũng dắt theo cháu nhỏ (do diễn viên nhí Hoàng Gia Huy đóng), còn ngoài đời, bên cạnh nghệ sĩ Hồng Sáp lúc nào cũng có đứa cháu nhỏ mồ côi Bùi Văn Đông.

Trong phim Khóc thầm, người bà nghèo khổ đi đâu cũng dắt theo cháu nhỏ (do diễn viên nhí Hoàng Gia Huy đóng), còn ngoài đời, bên cạnh nghệ sĩ Hồng Sáp lúc nào cũng có đứa cháu nhỏ mồ côi Bùi Văn Đông.

Hai bà cháu nghèo dắt nhau đi trong cơn mưa tầm tã, gió quất liên hồi. Cây cối xô nghiêng rơi trúng đầu cháu, máu tuôn, bà thảng thốt lay gọi đứa cháu nhỏ đang lịm dần rồi lại khản tiếng kêu cứu giữa chiều mưa hoang vắng... Đó là một phân cảnh xúc động trong bộ phim truyền hình Khóc thầm (đang trên trường quay của đạo diễn Võ Việt Hùng) - cũng là một trong số hàng chục phân cảnh trong các phim đã khiến người xem phải rơi nước mắt của nghệ sĩ Hồng Sáp - từng là cô đào nổi tiếng một thời của đoàn hát Bảy Huỳnh.

Phút đời thường của nghệ sĩ Hồng Sáp và cháu nội Bùi Văn Đông

“Đời” trên phim

Chỉ xuất hiện ở những phân cảnh ngắn ngủi trên phim nhưng những khoảnh khắc diễn xuất của lão nghệ sĩ Hồng Sáp luôn để lại ấn tượng với người xem - đó là nhận xét của nhiều người dành cho các vai diễn của nghệ sĩ Hồng Sáp trong các phim truyền hình được phát sóng thời gian qua, như: Dốc tình, Xóm cào cào, Mùi ngò gai, Tình cha con, Mây trắng ngang trời…

Đúng như vậy, ấn tượng đến từ khuôn mặt già nua, cái dáng khắc khổ và cằn cỗi trong những nhân vật mà bà đã thể hiện. Vai diễn ngắn nhưng có thể làm cho khán giả ngậm ngùi trước nỗi thống khổ hằn sâu vào đôi mắt, những thăng trầm đời người khắc trên mỗi bước đi.

Như trong phim Mây trắng ngang trời, vào vai người bà nghèo khổ dắt đứa cháu ngoại – bé Tím – đi ăn xin, nghệ sĩ Hồng Sáp đã để lại những dấu ấn khó quên với những phân cảnh thật xúc động và chân thực như cuộc sống.

Nói về những vai diễn của mình, nghệ sĩ Hồng Sáp cười hiền: “Đạo diễn thường chọn tôi vào những vai nghèo khổ, lam lũ. Vì hình dáng tôi không cần hóa trang cũng phản ánh đúng chất của nhân vật rồi”. Chỉ đóng vai phụ, ở những phân đoạn ngắn nhưng đó là cả một sự cố gắng hết sức mình của người nghệ sĩ đã ở tuổi 73.

4 giờ, thức dậy để kịp theo đoàn làm phim di chuyển đến bối cảnh quay, lại chờ đến tối mịt, có khi đến 4 giờ hôm sau đoàn mới về. Với vai bà Thông Tiền trong phim Khóc thầm, nghệ sĩ Hồng Sáp phải đi xa nhiều như Củ Chi, Bình Dương, Lâm Đồng và sắp tới là các tỉnh miền Tây. “Chưa có vai diễn nào tôi thấy cực như vai này, vai nhiều phân đoạn nhất và đi xa nhiều nhất, nhưng mình đã nhận lời thì phải đóng cho thật tốt” – nghệ sĩ Hồng Sáp nói.

Trong phim Khóc thầm, người bà nghèo khổ đi đâu cũng dắt theo cháu nhỏ (do diễn viên nhí Hoàng Gia Huy đóng), còn ngoài đời, bên cạnh nghệ sĩ Hồng Sáp lúc nào cũng có đứa cháu nhỏ mồ côi Bùi Văn Đông. Thi thoảng, Đông cũng được vào những vai quần chúng không lời thoại để “diễn cho vui” với bà.

Nhiều người nói đùa đời và phim của bà chừng như không khác nhau. Bởi vai diễn nào trên phim của bà cũng như ở ngoài đời của bà vậy- chưa bao giờ vượt qua khỏi ranh giới của một phận đời nghèo.

Phận bạc

Rời đất Hà thành từ năm 8 tuổi, theo ba mẹ vào Nam, cô bé Hồng Sáp ngày ấy đã lớn lên trong tiếng đàn của ba, lời ca của mẹ - cô đào Hồng Phấn của gánh hát Huỳnh Long nổi tiếng một thời. Gần nửa thế kỷ trước, cô đào Hồng Sáp cùng những tên tuổi, như: Thiên Kim, Lệ Thẩm, Hùng Minh, Hữu Phước... đã từng một thời mang lời ca tiếng hát rong ruổi đến với mảnh đất cải lương của miền đồng bằng Nam Bộ.

Nghệ sĩ Hồng Sáp kể hồi ấy bà “bị ghét” vì những vai đào độc, lẳng. Cho đến bây giờ, trong ký ức nhạt phai của bà, như còn thấp thoáng đâu đó hình ảnh của những vở cải lương một thời làm say lòng người mộ điệu như: Tấm Cám, Tình sử A Nàng… Khi đoàn hát giải thể, bà cùng một số nghệ sĩ về lập thành đoàn hát nhỏ hoạt động ở TPHCM, rồi định cư ở khu vực chợ Cầu Muối. Hành trình kiếm sống từ ấy đến giờ đã qua mấy mươi năm.

Hồng nhan theo nghiệp cầm ca, đến khi tuổi già sống kiếp truân chuyên. Cho đến giờ, bà vẫn phải sống trong ngôi nhà thuê tạm ở quận 7, hằng tháng nhận được dăm ba cân gạo từ Ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ TPHCM. Ngoài đóng phim, bà cũng tranh thủ đi làm công việc mặc trang phục cải lương cho các đoàn hát. Nếu có ai thuê, mỗi đêm bà được trả khoảng 100.000 đồng nhưng nguồn thu này cũng rất bấp bênh.

Nhiều người quen biết nghệ sĩ Hồng Sáp khi xem những vai bà diễn đều khen “bà già diễn giỏi quá!”, còn khán giả có lẽ sẽ khó quên hình ảnh những nhân vật cùng khổ mà bà đã thể hiện trên phim.

Nhưng đằng sau những thước phim đẹp ấy, nghệ sĩ Hồng Sáp còn phải đóng cho tròn vai diễn của cuộc đời mà số phận đã run rủi, đẩy đưa – vai diễn của một kiếp đời hồng nhan trong chặng đường mưu sinh ở tuổi về chiều, bên nách còn một đứa cháu nhỏ mồ côi cần được chăm sóc, nuôi nấng.

Còng lưng cõng cháu

“Giờ cũng không còn sức để làm gì nặng nhọc nữa, còn đóng phim được thì còn mừng, ráng kiếm tiền lo cho bé Đông được ngày nào hay ngày đó”. Nghệ sĩ Hồng Sáp chia sẻ bằng trái tim tận tụy yêu thương của một người bà.

Bé Đông năm nay 13 tuổi, nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên phải nghỉ học từ năm 8 tuổi – cũng là năm cha mẹ Đông qua đời vì bạo bệnh. Bây giờ bà đi đóng phim ở đâu là Đông theo đó.

Đôi mắt trong veo của cậu bé vẫn không giấu được nỗi khát khao được đến trường. Với nghệ sĩ Hồng Sáp, đó là nỗi lo thao thức khi con đường Đông đi như không có lối dẫn về tương lai tươi sáng.

Đọc thêm