Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ hạn chế nhà cao tầng

UBND Hà Nội khẳng định, Hồ Tây - Ba Vì là trục cảnh quan của thành phố, không phải là tuyến giao thông quy mô lớn, các công trình cao tầng sẽ bị hạn chế xây dựng.
 

UBND Hà Nội khẳng định, Hồ Tây - Ba Vì là trục cảnh quan của thành phố, không phải là tuyến giao thông quy mô lớn, các công trình cao tầng sẽ bị hạn chế xây dựng.

Trước kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội dự kiến từ 6 đến 10/12, nhiều cử tri Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố xem xét lại việc xây dựng trục nối đường Hoàng Quốc Việt đến chân núi Ba Vì (hay còn gọi là Hồ Tây - Ba Vì).

Theo UBND thành phố Hà Nội, trục Hồ Tây - Ba Vì là trục không gian cảnh quan hỗ trợ liên kết các không gian lớn từ Ba Đình - Hồ Tây - Tây Hồ Tây - Trung tâm văn hoá du lịch Ba Vì. Do vậy, trong đề xuất gửi Hội đồng thẩm định nhà nước, lãnh đạo Hà Nội đã kiến nghị trục này nên kết thúc trước hồ Đồng Mô chân núi Ba Vì.

Ngoài ra, đoạn ngoài vành đai 4 thành phố đề nghị sẽ đi theo địa hình, không đi thẳng, quy mô và mặt cắt ngang tuyến sẽ nghiên cứu cụ thể trong quy hoạch phân khu. Đoạn từ vành đai 3,5 đến vành đai 4 cơ bản đi thẳng, tạo lập không gian mở gồm: quảng trường, vườn hoa, không gian xanh kết nối hành lang xanh và vành đai xanh sông Nhuệ, các nhu cầu hoạt động công cộng văn hoá của thành phố mà trong nội đô còn thiếu, không có khả năng đáp ứng.

Trước mắt, để tạo trục cảnh quan, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị mới của thủ đô, UBND Hà Nội đề xuất chỉ nên xây một đoạn từ vành đai 3 đến vành đai 4 và quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng trong khu vực hành lang xanh và đoạn có hướng tuyến còn lại xác định theo địa hình và đặc điểm hiện trạng (ngoài vành đai 4) để khi cần xây dựng không phải giải phóng mặt bằng. Các công trình cao tầng có quy mô lớn sẽ bị hạn chế xây dựng.

Trước đó, ngày 17/8, UBND thành phố đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng kiến nghị không cần thiết phải tạo lập một tuyến giao thông quy mô lớn và đi thẳng như đề xuất của đơn vị tư vấn mà chỉ cần có giải pháp quản lý chặt chẽ không gian nối kết theo hệ trục này; chỉ tập trung tạo dựng hệ trục không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng với những công trình, những không gian quảng trường, giao lưu cộng đồng gắn với công viên vui chơi giải trí lớn của thủ đô, trong phạm vi từ đường 3,5 đến đường vành đai 4.

Theo UBND Hà Nội, nếu xây dựng cả tuyến giao thông quy mô lớn sẽ phải di dời nhiều khu vực làng xóm, một số khu vực với hiện trạng dày đặc các dự án đã và đang được đầu tư xây dựng. Hơn nữa, trong bối cảnh và điều kiện kinh tế của quốc gia nói chung và Hà Nội hiện nay, cần phải huy động nguồn kinh phí để đầu tư phát triển nhiều công trình trọng điểm thiết thực khác của thủ đô, khả năng tài chính và nguồn lực thực hiện cần được cân nhắc thận trọng

Hiện nay Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn giải trình rõ và tính toán cụ thể về trục giao thông này.

Theo Đoàn Loan

VnExpress

Đọc thêm