Trực Ninh xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở

Nhận thức được tầm quan trọng của thiết chế nhà văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống nhà văn hóa. 100% các xã trong huyện đều có quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa  thôn, làng. Làng Sa Nhì (xã Trực Nội) được một cá nhân ủng hộ 200 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa.

Nhận thức được tầm quan trọng của thiết chế nhà văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống nhà văn hóa. 100% các xã trong huyện đều có quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa  thôn, làng. Làng Sa Nhì (xã Trực Nội) được một cá nhân ủng hộ 200 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Làng Nam Ngoại (xã Trực Mỹ), nhân dân trong làng đã góp sức đóng gạch ngói xây dựng nhà văn hóa. Toàn huyện hiện có 174 nhà văn hóa, trong đó có 1 nhà văn hóa huyện, 21 nhà văn hóa xã và 152 nhà văn hóa thôn, xóm, trong đó có khoảng 60% số nhà văn hóa được xây mới. Hệ thống nhà văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm cho cảnh quan các làng quê trong huyện ngày thêm khởi sắc. Nhà văn hóa là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương tới mọi người dân và là nơi sáng tạo, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ở từng địa phương, nơi giao lưu, hưởng thụ văn hóa của quần chúng thông qua các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các đội văn nghệ quần chúng, đồng thời phổ biến kiến thức khoa học về nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc… Các địa phương có nhiều nhà văn hóa hoạt động sáng tạo, hiệu quả như các xã Trực Nội có 7/7 làng có nhà văn hóa, Trực Đại có 18/21 thôn, làng có nhà văn hóa... Nhà văn hóa làng Thái Lãng (xã Trực Nội) được khánh thành từ năm 2003, là nơi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các tổ chức đoàn thể cũng là địa điểm tổ chức lễ mừng thọ đầu xuân cho các cụ cao tuổi, nơi tổ chức cắm trại cho thiếu nhi mỗi dịp tết Trung thu, nơi làm lễ phát thưởng khuyến học. Từ khi xây dựng được nhà văn hóa, chất lượng hoạt động của các đoàn thể trong thôn chuyển biến về nhiều mặt. Nếp sống sinh hoạt thường ngày của người dân có nhiều tiến bộ.

Chùa Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) - Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.
Chùa Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) - Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.

Cùng với xây dựng nhà văn hóa cơ sở, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở đã giành một phần kinh phí đầu tư cho các dự án phục vụ hoạt động văn hóa, TDTT như: mua sắm nhạc cụ cho hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng nhà thi đấu cầu lông, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao… Bên cạnh đó thư viện huyện và 20 điểm bưu điện văn hóa xã thường xuyên được bổ sung, luân chuyển sách, báo phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Trên địa bàn huyện có 31 di tích được Nhà nước xếp hạng. Các di tích trên đều phát huy được giá trị, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Công tác VHTT, TDTT được quan tâm chỉ đạo, nhiều loại hình văn hóa truyền thống được khơi dậy, thu hút hàng nghìn người tham gia. Toàn huyện có hơn 40 đội văn nghệ thường xuyên hoạt động, trong đó có 25 đội văn nghệ tiêu biểu với nhiều chương trình biểu diễn hấp dẫn trong các dịp lễ tết. Hệ thống phát thanh, truyền thanh thường xuyên được củng cố nâng cấp ở 21/21 xã, thị trấn. Các đội thông tin lưu động của huyện và các xã, thị trấn phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền kịp thời các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống các đường làng, ngõ xóm được nhân dân các làng, thôn, xóm đóng góp kinh phí để “bê tông hóa” khang trang, sạch đẹp. Đến nay, hầu hết các xã ở Trực Ninh đã có hệ thống điện thắp sáng hoàn chỉnh và hầu hết các hộ gia đình đều có công trình nước sạch để sinh hoạt.

Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đã nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người dân ngày càng ý thức và xác định được rằng việc đầu tư cho văn hóa, hỗ trợ kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa là nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân.

Những kết quả đạt được trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở Trực Ninh những năm qua đã đem lại những thành quả quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, để các thiết chế phát huy hiệu quả, cần quan tâm hơn nữa tới công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động, đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị, giao lưu văn hóa và phục vụ đời sống của nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Đọc thêm