"Trùm" đường dây gái gọi VIP quyết lấy bằng Đại học

Với gương mặt trái xoan, mái tóc dài ngang lưng, H có một bề ngoài rất chân chất, giản dị nhưng vẫn giữ được nét quý phái của một cô gái gốc Hà thành. Nhưng vì buồn chuyện gia đình, ngày đó cô gái này đã sa vào các cuộc “bay” đêm, “nướng” hiện tại và tương lai của mình trên bàn nhậu và sàn nhảy.

Với gương mặt trái xoan, mái tóc dài ngang lưng, H có một bề ngoài rất chân chất, giản dị nhưng vẫn giữ được nét quý phái của một cô gái gốc Hà thành. Nhưng vì buồn chuyện gia đình, ngày đó cô gái này đã sa vào các cuộc “bay” đêm, “nướng” hiện tại và tương lai của mình trên bàn nhậu và sàn nhảy.

Ảnh : MH

“Bố mẹ không ở được với nhau nữa thì ra Tòa ly hôn đi”

Nguyễn Minh H (sinh năm 1983) là con đầu lòng của một cặp vợ chồng đều là cán bộ công chức, cư ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội. Dưới H có cậu em trai kém H gần mười tuổi nhưng cô vẫn được bố mẹ cưng chiều, nâng niu hết mực.

Tuy vậy, bên cạnh cuộc sống với vật chất và tiện nghi dư giả ấy thì H đã lớn lên trong một mái nhà thiếu vắng sự đầm ấm, thương yêu nhau của các bậc sinh thành. Mẹ H là một người khó tính, còn bố cô thường xuyên về nhà trong những cơn say. Khi hai chị em H dần lớn khôn, buồn thay cũng là lúc những lo toan về cơm áo gạo tiền bắt đầu bủa vây gia đình bé nhỏ này. Theo đó, những cuộc cãi vã giữa hai người lớn, những bữa cơm nặng nề bắt đầu lọt vào con mắt và đôi tai của hai đứa trẻ thơ.

Thời đó, tuy nhận thức về cuộc sống phức tạp của người lớn còn chưa rõ ràng nhưng H đã nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau và xô xát. Ban đầu H chỉ biết ôm mặt chạy vào phòng nức nở khóc, rồi cầm tay bố mẹ để can ngăn, nhưng mọi việc cũng chẳng thay đổi được gì.

Theo thời gian, H thấy những mâu thuẫn giữa bố mẹ là chuyện bình thường, cô chán nản không can ngăn những người lớn nữa. Đến một ngày khi đang là học sinh lớp sáu, H bỗng cầm tay bố mẹ và lạnh lùng nói: “Bố mẹ không ở được với nhau nữa thì ra Tòa ly hôn đi”.

Không lâu sau đó, bố mẹ H ra Tòa để ly hôn, chia con, chia tài sản. Theo phán quyết của Tòa án, H về ở với bố, còn em trai H về ở với mẹ, nhưng H đã xin về ở với mẹ để có chị có em. Từ đây, H mang nặng trong mình một cảm giác chán nản, bơ vơ. Lớn lên một chút, cô nữ sinh cấp ba ôm nỗi buồn và mái tóc thề chạy theo những mời gọi của đám bạn con nhà giàu ham chơi. Và cuộc đời H đã rẽ sang một hướng khác, trượt dài trong bia rượu, vũ trường và những cuộc ăn chơi tới bến...

Giấc mơ đại học theo vào trại giam

Dần dần rồi cũng thành quen, những cơn say đã đi cùng H qua màn đêm theo vào giờ học và cứ tối tối, cô lại “lên sàn” để... “lắng nghe” những tiếng nhạc chát chúa đinh tai nhức óc. H lý giải, những điều đó khiến cô thấy vui, bớt căng thẳng và quên đi các áp lực trong cuộc sống, học tập. Để bạn bè “bao” mãi không được, lúc không có tiền đi vũ trường, H đã “vẽ” ra những môn học “khống” để xin mẹ tiền học phí. Từ lúc ly hôn, bố mẹ H đều không xây tổ ấm mới nhưng họ cũng chẳng hề liên lạc gì với nhau, chính vì thế khi tiêu hết tiền của mẹ cho, H lại tìm đến bố, nói dối để xin tiền.

Chơi bời trác táng là thế nhưng thật kỳ lạ là H vẫn thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Học hết năm thứ hai, H bảo lưu kết quả ở nhà mở cửa hàng kinh doanh giúp mẹ buôn bán.
Trong thời gian này, cứ tối nào rảnh rỗi là H tìm đến vũ trường để buông mình. Cũng tại đây, H quen một số gái mại dâm cao cấp và không ít khách làng chơi.

Trưa một ngày giữa tháng 3/2009, một gã trai trong nhóm bạn chơi bời của H nhờ cô gọi giúp ba cô bạn để “đi chơi”. Không mảy may suy nghĩ, H bấm điện thoại “điều” ngay một cô bạn chân dài. Khi các “bạn” của H đang mây mưa với các vị khách sộp trong một khách sạn ở phố Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) thì công an ập vào bắt quả tang. H bị truy tố về tội “Môi giới mại dâm” rồi bị xử phạt 36 tháng tù giam. Thời điểm bị bắt, H khai rằng mỗi lần mua dâm, một khách phải trả 2 triệu đồng, trong đó gái mại dâm hưởng 1,5 triệu đồng, phần của H là 500.000 đồng...

Chưa một ngày mẹ xa em!

Ngày đó mẹ H rất lo cho con và đã khóc rất nhiều. Mỗi lần lên thăm H, hai mẹ con lại nhìn nhau khóc. H nói: “Lúc mới bị bắt, em nghĩ mình chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng khi mẹ mang quần áo, chăn màn... vào thì em biết rằng mình sẽ phải đi cải tạo. Em đã khóc rất nhiều”.

Trong những ngày H ở trại giam, hàng tháng mẹ H vẫn sắp xếp công việc để lên thăm con gái. Khi không lên thăm nuôi được, người mẹ này lại viết thư kể cho H nghe về mọi chuyện trong gia định. Thông thường mỗi tháng một phạm nhân chỉ nhận và gửi hai lá thư đã là nhiều, nhưng có tháng mẹ H gửi cho cả chục lá, mỗi lá thư dày cả chục trang giấy.

“Mặc dù em phải xa mẹ nhưng em cảm thấy như mẹ chưa bao giờ xa em. Qua thư, em và mẹ đã chia sẻ rất nhiều chuyện, kể cả những chuyện mà trước đây khó chia sẻ” - H tâm sự.

Quyết lấy bằng đại học

Khi còn nhỏ, H ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một cô giáo, nhưng cô lại thi đỗ vào một trường kinh doanh. Ước mơ của H sau này sẽ có một tấm bằng đại học giống như những bạn bè khác cùng trang lứa, mặc dù ngành nghề mà sau này ra trại H sẽ tiếp tục theo đuổi cũng không cần tới bằng cấp: Nghề trang điểm.

“Em đã học trang điểm từ hồi là học sinh cấp ba. Hồi ở ngoài, thỉnh thoảng em vẫn đi trang điểm cho bạn bè. Sau này về em sẽ tiếp tục theo học nâng cao nghề này để mở cửa hàng kinh doanh. Nhưng trước sau gì thì em vẫn sẽ cố gắng học lấy một tấm bằng đại học” - H khẳng định.
Trong Phân trại số 5 của Trại giam Tân Lập, H được bố trí lao động tại đội làm mi mắt giả. Với H, những ngày ở trong trại giam phải xa mẹ là những ngày đau đớn nhất, vì thế cô càng cố gắng hơn để được xếp vào danh sách đề nghị đặc xá trong đợt đặc xá sắp tới của Chủ tịch Nước.

Sự quyết tâm cải tạo thể hiện rõ trên gương mặt trái xoan, cặp mắt sáng ánh lên sự thông minh cùng mái tóc dài ngang lưng, cô gái đất Hà thành đang quyết tâm đứng lên sau vết trượt đầu đời. H hiểu rằng nếu cô kiên tâm, bền chí tu dưỡng thì ngày về đoàn tụ với mẹ, với cậu em đang là sinh viên của một trường đại học lớn ở Hà Nội sẽ không còn xa...

Văn Minh

Đọc thêm