Trưng cầu ý dân: Mở rộng quyền dân chủ trực tiếp

Trưng cầu ý dân là để người dân thể hiện chính kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời cũng là điều kiện để các cơ quan  quản lý "tự kiểm tra" nên đây là một trong những công cụ bảo đảm tính dân chủ trực tiếp của nhân dân, không để việc hoạch định đường lối, chính sách, ban hành pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng đất nước chỉ là việc của thiết chế quyền lực được nhân dân ủy quyền.

Trưng cầu ý dân là để người dân thể hiện chính kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời cũng là điều kiện để các cơ quan  quản lý "tự kiểm tra" nên đây là một trong những công cụ bảo đảm tính dân chủ trực tiếp của nhân dân, không để việc hoạch định đường lối, chính sách, ban hành pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng đất nước chỉ là việc của thiết chế quyền lực được nhân dân ủy quyền.

Qui định chưa "bước được ra khỏi trang giấy"

Hiến pháp 1992 có 3 qui định về trưng cầu ý dân và được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội, Qui chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, song vẫn chưa đủ cơ sở để tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nào. Ths.Ngô Trung Thành (Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội) nhận thấy, Hiến pháp qui định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân, nhưng cũng lại qui định mọi công việc của Nhà nước được giao cho các cơ quan nhà nước, chưa xác định rõ những vấn đề bắt buộc phải đưa ra trưng cầu ý dân nên đặt Quốc hội vào tình thế khó khăn khi xác định vấn đề cần trưng cầu ý dân.

Nếu Quốc hội "không thấy" vấn đề nào cần trưng cầu ý dân thì qui định về trưng cầu ý dân chỉ còn là hình thức, không có tính khả thi, còn nếu "thấy quá nhiều" vấn đề cần trưng cầu ý dân thì hình thức dân chủ trực tiếp này lại bị lạm dụng để các cơ quan nhà nước thoái thác trách nhiệm, khi đó trưng cầu ý dân không đem lại hiệu quả, chỉ gây tốn kém, lãng phí. Bên cạnh đó, những qui định thiếu rõ ràng, đầy đủ về qui mô, cách thức tổ chức, giá trị kết quả trưng cầu ý dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trưng cầu ý dân... cũng làm qui định về trưng cầu ý dân không có khả năng "bước ra khỏi trang giấy" để vào cuộc sống.

Dù chưa được hoàn thiện nhưng qui định về "các hình thức dân chủ trực tiếp" và trưng cầu ý dân tại Điều 6 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã khẳng định việc nhân dân làm chủ không chỉ thông qua các cơ quan dân cử và có thể được trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình.

Bảo đảm bằng năng lực làm chủ của nhân dân

Luật Trưng cầu ý dân đã được đưa vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chủ trương xây dựng Luật Trưng cầu ý dân dựa trên cơ sở sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tăng cường dân chủ, khẳng định chủ quan chính trị của nhân dân, cùng với việc tiếp tục củng cố và phát triển chế độ dân chủ đại diện là việc mở rộng hơn nữa dân chủ trực tiếp để thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân và việc quyết định các vấn đề quan trọng phát triển đất nước.

Theo nhận định của GS.TS Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự chín muồi và tính khả thi của việc ban hành đạo luật này được bảo đảm bởi ý thức và trình độ, năng lực làm chủ về chính trị của nhân dân ngày càng được nâng cao.

ThS Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) lưu ý, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng "không phải cuộc trưng cầu dân ý nào cũng có thể giải quyết được mọi vấn đề. Trong cuộc trưng cầu dân ý mà cử tri bị thao túng, thiếu thông tin, cơ chế pháp lý chưa rõ ràng thì ý chí nhân dân - mục đích của trưng cầu dân ý - sẽ không được thể hiện một cách đầy đủ và khách quan".

Vấn đề đáng nói là Việt Nam thiếu kinh nghiệm trưng cầu ý dân nên có thể dẫn đến khả năng không kiểm soát được khi người dân với lá phiếu biểu quyết của mình có quyền tối hậu trong việc quyết định các vấn đề phức tạp, nhất là khi "để có thể biểu quyết các vấn đề trọng đại của đất nước thì công dân phải có trình độ nắm bắt được thực chất của vấn đề về quyền thông tin, quyền được biết của người dân".

Vì thế, ThS Đinh Thế Hưng cho rằng: "Khi chúng ta chưa luật hóa, chưa "chuyển tải" qui định này của Hiến pháp vào thực tiễn của đời sống chính trị pháp lý thì có thể nói rằng, việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân sẽ vẫn bị hạn chế". Không chỉ dừng ở việc qui định quyền của người dân được trưng cầu, mà cần thu hút được sự tham gia tích cực của người dân trong việc bày tỏ chính kiến đối với các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, khi Hiến pháp chưa xác định cụ thể vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân thì trong Luật Trưng cầu ý dân cần qui định giao thẩm quyền cho Quốc hội không có giới hạn để quyết định việc trưng cầu ý dân. Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có giá trị buộc mọi cơ quan nhà nước và công dân phải chấp thuận và thực hiện...

Huy Anh

Đọc thêm