[links()]Tăng cường bảo vệ các quyền con người là một mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp tại Trung Quốc. Cơ quan lập pháp Trung Quốc cũng đã thêm cụm từ “nhà nước tôn trọng và bảo vệ các quyền con người” trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2004.
Nghiêm cấm tra tấn lấy khẩu cung
Luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2012 cũng bao gồm việc “tôn trọng và bảo vệ các quyền con người” trong các quy định chung. Các cơ quan tư pháp của Trung Quốc đang tiến hành các biện pháp có hiệu quả, phù hợp với luật pháp để ngăn chặn và nghiêm cấm việc tra tấn để lấy khẩu cung, bảo vệ quyền biện hộ của các nghi phạm và bị cáo.
Trong các cải cách này, đáng chú ý là việc cải thiện hệ thống phục hồi nhân phẩm cho các tù nhân và tạo điều kiện giúp đỡ họ sau khi mãn hạn tù. Trung Quốc đang phấn đấu xây dựng được hệ thống nhà tù “an toàn, tách biệt các chức năng hành chính và kinh doanh, tách biệt các khoản thu và chi, tiêu chuẩn hóa hệ thống hoạt động”. Các chi phí cho việc quản lý nhà tù, cải tạo tù nhân, chi phí sinh hoạt của tù nhân và cơ sở vật chất của nhà tù đều do ngân sách của chính phủ chi trả. Còn các tù nhân được yêu cầu làm việc và được trả tiền. Mỗi tuần, các tù nhân làm việc trong 5 ngày, học văn hóa một ngày và được nghỉ ngơi 1 ngày.
Kể từ năm 2008, tổng số 1.26 triệu tù nhân đã được xóa mù chữ và hoàn thành các khóa học bắt buộc khác trong thời gian thụ án, hơn 5.800 người nhận được cấp bằng cao đẳng do nhà nước công nhận. Hơn 30.000 khóa học đào tạo kĩ năng cũng đã được triển khai ở các nhà tù trên khắp cả nước, với 75% số tù nhân nhận được các chứng chỉ nghề, đưa ra 14.000 cải tiến công nghệ và được công nhận hơn 500 bằng sáng chế.
Cải thiện năng lực tư pháp
Trung Quốc đã thiết lập, liên tục cải thiện hệ thống kiểm tra tư pháp quốc gia bằng cách hợp nhất các kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên môn cho các thẩm phán cơ sở, công tố viên cơ sở, luật sư và các công chứng viên. Kể từ năm 2002, việc kiểm tra tư pháp trên toàn quốc đã được tiến hành hàng năm, trở thành một hệ thống thống nhất để mọi người tiếp cận với nghề luật sư. Đến cuối năm 2011, gần 500.000 người đã vượt qua được kỳ thi kiểm tra tư pháp quốc gia, đủ điều kiện làm việc trong ngành luật.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thiết lập hệ thống kiểm tra trình độ chuyên môn theo từng cấp đối với lực lượng cảnh sát. Các chương trình đạo tạo thay đổi tư duy cũ, từ tập trung vào những người có bằng cấp cao và có học vấn sang lựa chọn những thẩm phán, công tố viên, cảnh sát giàu kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tư pháp, luật sư cũng được chú trọng đúng mức.
Quyền lực tư pháp phục vụ nhân dân
Đặt người dân lên hàng đầu và thực thi quyền lực pháp lý để phục vụ người dân là nền tảng cơ bản đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng của công tác tư pháp tại Trung Quốc. Trung Quốc đã nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục xử lý vụ việc, cải thiện quy trình làm việc, đảm bảo cho người dân được thực thi các quyền của họ một cách thuận lợi nhất. Theo luật Tố tụng Dân sự sửa đổi năm 2012, trong các vụ án dân sự đơn giản nếu số tiền trong vụ kiện nhỏ hơn 30% mức lương trung bình hàng năm của người lao động của tỉnh trong năm trước đó thì phiên tòa sơ thẩm sẽ là phiên xét xử cuối cùng.
Năm 2010, Trung Quốc đã ban hành Luật Hòa giải, hướng dẫn khuyến khích sử dụng hòa giải để xử lý tranh chấp và xung đột. Kể từ khi thực hiện Quy định về trợ giúp pháp lý ban hành năm 2003, Trung Quốc đã dần mở rộng phạm vi trợ giúp pháp lý từ bảo vệ trong các vụ việc hình sự tới các lĩnh vực liên quan đến sinh kế của người dân như thăm khám bác sỹ, tìm việc làm….Các cơ quan tư pháp của Trung Quốc cũng đã tích cực trong việc tạo điều kiện cho các kênh trao đổi giữa cơ quan tư pháp và công chúng, lắng nghe ý kiến của công chúng và đảm bảo quyền được biết, được tham gia, được lắng nghe và giám sát công tác tư pháp của người dân, từ đó giành được sự đồng thuận, ủng hộ của công chúng./.
Hà Dung (giới thiệu)