Trung Quốc hy vọng ngăn chặn những vụ oan sai

Trung Quốc hy vọng sớm có một Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó tăng quyền của luật sư bào chữa, chấm dứt những hành vi sai phạm như ép cung buộc nghi phạm nhận tội…, nhằm ngăn chặn những vụ oan sai, đem lại một hệ thống pháp lý công bằng, sáng suốt hơn.

Trung Quốc hy vọng sớm có một Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó tăng quyền của luật sư bào chữa, chấm dứt những hành vi sai phạm như ép cung buộc nghi phạm nhận tội…, nhằm ngăn chặn những vụ oan sai, đem lại một hệ thống pháp lý công bằng, sáng suốt hơn.

Người mẹ Zhang Huanzhi. Ảnh CNN
Người mẹ Zhang Huanzhi. Ảnh: CNN

Chuyện người mẹ đòi giải oan cho con trai

“Tôi đạp xe ra bến xe buýt gần nhất và sau đó bắt chuyến xe chạy suốt 2 tiếng tới tòa án trung cấp tỉnh Hà Bắc” – cụ bà Zhang Huanzhi, 67 tuổi sống ở miền Bắc Trung Quốc, kể khi bà đang xay lúa trong sân còn người chồng tàn tật nằm gần đó. “Tôi đã làm như vậy suốt 6 năm qua và miễn là tôi vẫn có thể đi lại được thì tôi sẽ không từ bỏ” – người phụ nữ luống tuổi nói.

Năm 1994, con trai duy nhất của bà - Nie Shubin - đã bị bắt giữ với cáo buộc cưỡng hiếp và giết chết một phụ nữ 38 tuổi tại cánh đồng ngô gần nhà. 7 tháng sau khi bị bắt giữ, tháng 4/1995, Nie bị hành hình về 2 tội danh: hiếp dâm và cố ý giết người.

Qua vị luật sư của Nie, Zhang được biết rằng con trai mình từng nói đã bị đánh đập để buộc phải nhận tội khi bị thẩm vấn tại nhà giam. Zhang cũng tin rằng con trai mình đã bị tra tấn sau khi nhìn thấy cậu con trai vốn khỏe mạnh bình thường của mình bước đi liêu xiêu vào phòng xử trong phiên tòa đầu tiên.

Tuy nhiên, mọi việc cũng chỉ dừng lại ở đó và gia đình bà Zhang cũng nguôi ngoai vì nghĩ rằng đã chết để trả giá cho hành vi phạm tội của mình nếu không có sự kiện mười năm sau – tháng 1/2005, khi mộ của chàng trai trẻ ngày nào đã xanh cỏ - thì một người đàn ông khác tên Wang Shujin bị bắt giữ và khai nhận mình mới là thủ phạm đã hiếp dâm và giết chết người phụ nữ 38 tuổi ở cánh đồng ngô năm xưa. Thực nghiệm hiện trường cũng cho thấy Wang chính là thủ phạm của vụ việc.

Thông tin này sau đó được một nhà báo địa phương tiết lộ với gia đình bà Zhang. Người chồng – vốn đã bị liệt nửa người sau khi vì quá đau buồn trước cái chết của đứa con trai duy nhất nên đã tìm cách tự tử nhưng không thành – bật khóc như một đứa trẻ còn người vợ vật vã khóc than bên ngôi mộ con trai.

Kể từ ngày 16/3/2005 đó, bà Zhang đã không biết bao nhiêu lần gõ cửa tòa án trung cấp Thạch Gia Trang ở tỉnh lỵ Hà Bắc, cách Bắc Kinh 320km về phía Tây Nam với yêu cầu đơn giản chỉ là xem xét lại vụ việc để trả lại công bằng cho người con trai đã khuất của bà.

“Tôi không muốn ai phải chịu trách nhiệm, không muốn khoản tiền đền bù của chính phủ và tôi cũng không muốn các thẩm phán phải trả lại mạng sống cho con tôi, thứ duy nhất tôi muốn là sự vô tội của nó” – Zhang nói.

Nie Shubin khi còn sống. Ảnh CNN
Nie Shubin khi còn sống. Ảnh: CNN

Triển vọng từ dự luật mới

Với những thông tin dày đặc từ bản tin trong nước, nhiều người đã xem hoàn cảnh của Zhang và trường hợp của Nie là một ví dụ điển hình về lỗ hổng trong hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp lấy khẩu cung, quy trình rà soát lỏng lẻo đối với những trường hợp bị kết án tử hình.

Vụ việc của bà Zhang giờ một lần nữa trở thành tiêu điểm của dư luận khi chính phủ Trung Quốc đưa ra đề xuất sửa đổi phần lớn Bộ luật Hình sự – lần đầu tiên trong 15 năm qua - nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn cho các công dân của mình và ngăn ngừa một sự tái phát của các tình huống giống như những gì đã xảy ra con trai bà.

Trong những năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin cho hay, ít nhất 5 tử tù đã được phóng thích, hoặc vì “nạn nhân” của họ nhiều năm sau khi được cho là đã bị giết hại còn sống trở về hoặc vì những thủ phạm thực sự bị bắt. Những trường hợp như vậy có thể được ngăn chặn nếu Luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực thi hành kể từ tháng 3/2012 tới theo như dự kiến.

Vì theo lập luận của nhà chức trách Trung Quốc, các thay đổi được đề xuất sẽ tăng quyền của luật sư bào chữa đồng thời chấm dứt những hành vi sai phạm như: ép cung buộc nghi phạm nhận tội hay ép gia đình nghi phạm làm chứng chống lại họ.

Dự thảo luật này cũng đề cập đến việc những bằng chứng thu được thông qua tra tấn sẽ không được chấp nhận tại tòa án và hạn chế tuyên án tử hình.

Thanh Tùng (theo CNN)

Đọc thêm