Trung Quốc ra mắt phương tiện bay đeo người đầu tiên trên thế giới

(PLVN) - Viện Nghiên cứu Zhiyuan tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vừa gây chấn động ngành công nghệ khi ra mắt phương tiện bay cá nhân eVTOL đeo được đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống ba ống dẫn lực. Với khả năng cất - hạ cánh thẳng đứng và công nghệ an toàn tiên tiến, sản phẩm này hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giao thông cá nhân và các ứng dụng hàng không tầm thấp.
Trung Quốc ra mắt phương tiện bay cá nhân đeo người đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Global Times)

Ngày 28/4, Viện Nghiên cứu Zhiyuan tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã chính thức công bố và trình diễn bay thử phương tiện bay cá nhân eVTOL đeo được đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ ba ống dẫn khí. Theo thông tin từ công ty, sự kiện này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực giao thông hàng không cá nhân và nền kinh tế bay tầm thấp đang phát triển mạnh mẽ.

Chiếc eVTOL đặc biệt này được thiết kế với các cánh quạt điện lực bố trí ở ba vị trí: bên trái, bên phải và phía sau người lái, mang lại độ tin cậy cao về nguồn lực, khả năng kiểm soát tiếng ồn tốt hơn và hiệu suất khí động học vượt trội khi bay lơ lửng. Trong trường hợp khẩn cấp, hệ thống cho phép phi công tách rời khỏi phương tiện chỉ bằng một nút bấm, đồng thời triển khai dù chuyên dụng ở độ cao thấp để đảm bảo an toàn cho người điều khiển.

Hệ thống điều khiển hiện tại của thiết bị bay được hỗ trợ bởi trạm mặt đất, giúp đơn giản hóa các thao tác vận hành, cho phép phi công thực hiện các chuyến bay ổn định ở chế độ tự động mà gần như không cần thao tác tay, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng cơ động linh hoạt khi thực hiện các nhiệm vụ trên không.

Để đảm bảo hiệu suất mạnh mẽ cho thiết bị bay, đội ngũ nghiên cứu và phát triển của Viện Zhiyuan đã phát triển hệ thống động cơ có tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng cao thông qua tối ưu hóa khí động học và tích hợp nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống động cơ - ống dẫn. Ngoài ra, thông qua hợp tác với các trường đại học và tiến hành nhiều thử nghiệm bay thực tế, nhóm phát triển đã xây dựng thành công hệ thống điều khiển bay có khả năng chống nhiễu cao, giúp thiết bị hoạt động an toàn ngay cả trong môi trường phức tạp.

Theo nhà sản xuất, phương tiện bay này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như cứu hộ khẩn cấp, bảo trì lưới điện, vệ sinh nhà chọc trời, du lịch ngắm cảnh, giải trí, tuần tra biên giới và kiểm tra hải quan. Với tính cơ động và khả năng vận hành đơn giản, đây sẽ là một giải pháp đột phá trong các nhiệm vụ cần tiếp cận nhanh tại địa hình khó khăn.

Báo cáo ngành được công bố trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Bay tầm thấp toàn cầu lần thứ hai tổ chức tại Bắc Kinh ngày 28/4 cho thấy, máy bay không người lái và eVTOL đang chuyển dịch từ các ứng dụng tiêu dùng nhỏ lẻ sang quy mô lớn với các chức năng chuyên biệt. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành kinh tế bay tầm thấp của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ.

Ông La Quân, Giám đốc điều hành Liên minh Kinh tế Bay tầm thấp Trung Quốc, cho biết, trong tương lai, máy bay không người lái và eVTOL sẽ được tích hợp sâu hơn với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để ứng dụng trong nhiều kịch bản thực tiễn hơn. Dự báo đến năm 2030, quy mô thị trường nội địa cho lĩnh vực này có thể vượt mốc 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 137,23 tỷ USD).

Không chỉ dừng ở đó, kinh tế bay tầm thấp hiện đã trở thành từ khóa nóng trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Trong báo cáo công tác chính phủ công bố tháng 3 năm nay, Bắc Kinh cam kết sẽ thúc đẩy sự phát triển an toàn và lành mạnh của các ngành công nghiệp mới nổi như không gian thương mại, kinh tế bay tầm thấp, cho thấy quyết tâm của quốc gia này trong việc chiếm lĩnh các lĩnh vực công nghệ tương lai.

Đọc thêm