Trung Quốc với kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ riêng

Giữa tháng 6 này, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ đưa ba phi hành gia lên ở trên một module trong không gian. Đây là bước thử nghiệm mới nhất trong kế hoạch tham vọng nhằm xây dựng một trạm vũ trụ riêng của nước này trên vũ trụ.

Giữa tháng 6 này, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ đưa ba phi hành gia lên ở trên một module trong không gian. Đây là bước thử nghiệm mới nhất trong kế hoạch tham vọng nhằm xây dựng một trạm vũ trụ riêng của nước này trên vũ trụ.

Nhiệm vụ quan trọng

Trong kế hoạch của người Trung Quốc, ba phi hành gia kể trên sẽ được tàu Thần Châu 10 đưa lên quỹ đạo Trái đất. Hiện con tàu và tên lửa đẩy của nó đã được đưa tới bãi phóng nằm tại một khu vực biệt lập ở sa mạc Gobi.

Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc trong vũ trụ
Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc trong vũ trụ

Khi lên quỹ đạo, Thần Châu 10 sẽ kết nối với module Thiên Cung 1, vốn đã được đưa vào vị trí quỹ đạo chính xác từ tháng trước. Nhiệm vụ lần này sẽ kéo dài 15 ngày và đây sẽ là chuyến bay có người điều khiển lâu nhất trong không gian của Trung Quốc.

Sau khi rời bệ phóng, các phi hành gia sẽ tới Thiên Cung 1 sau 2 ngày. Họ sẽ vào module tăng áp này để tiến hành các thử nghiệm khoa học, thử nghiệm kỹ thuật và các chương trình giáo dục công nhắm tới trẻ em Trung Quốc.

Danh tính của 2/3 phi hành gia tham gia nhiệm vụ Thần Châu 1 chưa được công bố. Hiện người ta mới chỉ biết một trong các phi hành gia là Wang Yaping, một phi công 35 tuổi trong Không lực Trung Quốc và sẽ trở thành người phụ nữ thứ hai bay vào không gian.

Kỳ tích trước đó của Trung Quốc là đưa ba phi hành gia, gồm một phụ nữ lên không gian trên tàu Thiên Cung 9 và cùng nhau họ đã có 13 ngày ở trên không gian, sau khi kết nối thành công với Thiên Cung 1 vào tháng 6 năm ngoái.

Việc tiếp cận và kết nối giữa 2 con tàu trên không gian là một thành tựu quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc, nhằm thu được các kỹ năng về công nghệ và hậu cần để điều hành một trạm vũ trụ hoạt động hoàn chỉnh, với khả năng chứa các phi hành gia trong thời gian dài.

Module thử nghiệm mạnh mẽ

Thiên Cung 1 hiện mới chỉ là module thử nghiệm, chưa phải module đóng vai trò nền tảng nhằm xây dựng trạm vũ trụ. Nó có trọng lượng 85 tấn,  được thiết kế để có khả năng lắp ghép với tàu vũ trụ có người lái và tự hoạt động.

Giữa năm 2011, việc sản xuất module Thiên Cung 1 đã hoàn tất, và sau đó nó được tiến hành các thử nghiệm về cơ, điện, nhiệt. Thiên Cung 1 ban đầu được dự kiến phóng vào tháng 8/ 2011, nhưng cuối cùng nó chỉ bay lên vào ngày 29/9/2011. Cho tới nay các tàu vũ trụ Thần Châu 8, Thần Châu 9 đã từng ghép nối với Thiên Cung 1, trong đó Thần Châu 9 có mang theo phi hành gia.

Tàu Thần Châu 10 và tên lửa đầy Trường Chinh 2 đã được đưa vào bệ phóng
Tàu Thần Châu 10 và tên lửa đầy Trường Chinh 2 đã được đưa vào bệ phóng

Và dù chỉ là module thử nghiệm, Thiên Cung vẫn đã có thể chứa được các phi hành gia. Bên trong nó có trang bị thiết bị thể dục và hai phòng ngủ. Các bức tường bên trong của module được sơn hai màu, một màu biểu thị cho mặt đất và màu còn lại biểu thị cho bầu trời.

Điều này sẽ giúp các phi hành gia trên các trạm không gian sau này có thể phân biệt tốt đâu là hướng mặt đất và đâu là hướng không gian trong môi trường không trọng lượng.

Trung Quốc hiện đã đặt tham vọng lập trạm vũ trụ riêng vào năm 2020. Đây cũng chính là thời điểm Trạm vũ trụ Quốc tế do Nga và Mỹ hợp tác điều hành sẽ ngưng hoạt động. Sự trùng hợp khiến cho Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có trạm vũ trụ trên không gian.

Trình diễn sức mạnh

Giới phân tích đánh giá nhiệm vụ Thần Châu 10 sẽ là màn trình diễn sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong việc chinh phục không gian, vào thời điểm vấn đề ngân sách bị bóp chặt và dịch chuyển ưu tiên đã khiến các chương trình chinh phục vũ trụ có người lái của Mỹ dậm chân tại chỗ, không muốn nói là có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc.

Đây sẽ là nhiệm vụ không gian có người lái thứ 5 của Trung Quốc kể từ năm 2003, khi phi hành gia Yang Liwei trở thành người đầu tiên của Trung Quốc đi vào quỹ đạo Trái đất. Trung Quốc cũng có kế hoạch tham vọng nhằm đổ bộ tàu thăm dò lên Mặt trăng. Các nhà khoa học nước này còn nêu ra khả năng đưa người lên Mặt trăng, nhưng chuyện này sẽ không diễn ra trước năm 2020.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến Mỹ và phương Tây quan ngại. Trong khi Bắc Kinh khẳng định chương trình không gian của mình chỉ có mục đích hòa bình, một báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng trước cho thấy Trung Quốc đang tăng dần các khả năng làm chủ không gian và rằng Bắc Kinh còn thực hiện hàng loạt hoạt động nhằm ngăn chặn đối thủ sử dụng các tài sản quân sự không gian trong thời kỳ diễn ra khủng hoảng.

Tường Linh

Đọc thêm