Trung Quốc xây trạm vũ trụ trên Thiên Cung 1

Việc Trung Quốc kết nối thành công tàu không người lái Thần Châu 9 với trạm vũ trụ thử nghiệm Thiên Cung 1 vào đầu tuần này đã mở ra một kỷ nguyên mới với nước này, trong bối cảnh hoạt động chinh phục vũ trụ của các quốc gia khác đều đang ở giai đoạn thoái trào.

Việc Trung Quốc kết nối thành công tàu không người lái Thần Châu 9 với trạm vũ trụ thử nghiệm Thiên Cung 1 vào đầu tuần này đã mở ra một kỷ nguyên mới với nước này, trong bối cảnh hoạt động chinh phục vũ trụ của các quốc gia khác đều đang ở giai đoạn thoái trào.

Các phi hành gia Trung Quốc vui mừng nhảy múa trong module Thiên Cung 1
Các phi hành gia Trung Quốc vui mừng nhảy múa trong module Thiên Cung 1.

Thành tựu hết sức quan trọng

Hôm 16/6, hàng triệu người Trung Quốc đã dõi mắt lên tivi để theo dõi màn phóng tàu Thần Châu 9 lên quỹ đạo Trái đất. Chữ "phúc", biểu tượng may mắn và tiền tài của người Trung Quốc đã được gắn lên khoang lái của các phi hành gia. Chuyến bay này đặc biệt vì nó mang theo nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, đại tá Liu Yang. Ba ngày sau đó, Thần Châu 9 đã kết nối thành công với module Thiên Cung 1 và báo chí Trung Quốc đã phát cảnh ba phi hành gia của Thần Châu 9 đang bộc lộ sự vui mừng, phấn khích khi bay lượn trong không gian khá rộng rãi của Thiên Cung 1.

Sứ mạng Thần Châu 9 diễn ra sau khi Trung Quốc đã triển khai ba nhiệm vụ chinh phục vũ trụ có người lái khác, trong đó người ta chứng kiến nước này đã có những bước nhảy thần kỳ. Tàu Thần Châu 5, được phóng hồi năm 2005, là con tàu đầu tiên có người lái bay vào không gian của Trung Quốc. Theo chân nó là tàu Thần Châu 6 chở hai phi hành gia hồi năm 2005 và  Thần Châu 7 hồi năm 2008, chở theo ba phi hành gia, với một người trong số này đã đi bộ ra ngoài vũ trụ.

Tháng 10/2011, tới lượt Thần Châu 8 được phóng lên vũ trụ. Đây là một con tàu không người lái, nhưng nó có nhiệm vụ hết sức quan trọng là kết nối tự động trong vũ trụ với tàu Thiên Cung 1, trạm vũ trụ thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc và đã lên vũ trụ một tháng trước đó. Lần này tới lượt Thần Châu 9 mang người lên vũ trụ và kết nối thành công với Thiên Cung 1. Đây là thành tích không đơn giản. Người ta cần các tính toán với độ chính xác cao và công nghệ hiện đại để ghép nối 2 con tàu đang lao đi với tốc độ lớn khủng khiếp trong vũ trụ. Một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến nhiệm vụ thất bại và cướp đi mạng sống của các phi hành gia.

Theo Zhou Jianping, kiến trúc sư trưởng của chương trình tàu vũ trụ có người lái Trung Quốc, "giờ đây các con tàu vũ trụ nước này đã có thể trở thành công cụ chở người qua lại giữa Trái đất và không gian. Nó có thể đưa người tới trạm vũ trụ, hoặc trạm nghiên cứu không gian rồi trở lại an toàn".

Một mục tiêu trúng nhiều đích chiến lược

Phòng kỹ thuật không gian có người điều khiển Trung Quốc cho biết từ năm 1992 tới năm 2011, nước này đã tiêu 35 tỉ NDT (5,4 tỉ USD) vào hoạt động chinh phục vũ trụ có người điều khiển. Một phần lớn các khoản tiền đầu tư và sự hiểu biết về kỹ thuật đã được dồn vào việc xây trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2020, sau khi nước này bị Mỹ từ chối cho tiếp cận với Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Theo giới phân tích, việc có trạm vũ trụ sẽ mang tới cho Trung Quốc ít nhất 4 lợi thế khác. Trước tiên, sự có mặt dài lâu trên quỹ đạo Trái đất có tiềm năng ứng dụng quân sự. Do đã ký nhiều công ước khác nhau, Trung Quốc có nghĩa vụ không đặt vũ khí hạt nhân trên vũ trụ. Nhưng họ không bị ràng buộc gì nếu muốn đưa vũ khí thông thường tới đây. Thực tế Trung Quốc đã từng bộc lộ dấu hiệu muốn có vũ khí không gian vào năm 2007, khi họ bắn tên lửa tiêu diệt thành công một vệ tinh đã chết trong không gian. Việc có vũ khí đặt trong không gian sẽ là yếu tố cân bằng hiệu quả với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Thứ hai, nghiên cứu khoa học mới là động cơ chính của Trung Quốc khi họ muốn xây trạm vũ trụ. Thông qua việc đưa người lên sống lâu dài trên không gian, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ thường xuyên có thể thực hiện những nghiên cứu về sinh học và hóa học tại môi trường không trọng lượng. Ngoài ra, trạm vũ trụ còn là nền tảng lý tưởng để quan sát không gian sâu xa hơn trong vũ trụ.

Thứ ba, chương trình vũ trụ của Trung Quốc được kích thích bởi động cơ kinh tế. Tiềm năng khai thác kinh tế tại môi trường vũ trụ là rất lớn và chưa có ai chạm tới. Các chuyến bay thương mại đưa người vào vũ trụ du lịch đã nằm trong tầm với. Hồi tháng 4 năm nay, các tỉ phú của công ty Google và đạo diễn điện ảnh James Cameron đã cùng nhau thành lập Planetary Resources Inc với tham vọng trích xuất khoáng chất từ thiên thạch và mang chúng về bán lại ở Trái đất, qua đó thu hàng ngàn tỉ đô la.

Một nghiên cứu gần đây của NASA cho thấy người ta phải bỏ ra 2,6 tỉ USD để phóng tàu rô bốt lên vũ trụ "bắt giữ" một thiên thạch nặng chừng 500 tấn và đưa nó về quỹ đạo Mặt trăng. Từ đây, việc khai khoáng và vận chuyển về Trái đất sẽ trở nên rất dễ dàng. Dự án này có thể hiện thực hóa trong vòng một thập kỷ.

Planetary Resources Inc có thể có ý tưởng và NASA có nền tảng kỹ thuật tốt, nhưng Trung Quốc mới là bên có đủ tiền để đầu tư. Một số công ty nhà nước của Trung Quốc hiện đang ngồi trên hàng chục tỉ đô la và chính phủ Trung Quốc có khoảng 3.000 tỉ đô la dự trữ ngoại hối. Trong vòng một thập kỷ tới, Trung Quốc có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới được trang bị đầy đủ công nghệ, nền tảng tài chính và ý chí chính trị mạnh trong việc thực hiện hoạt động rủi ro như khai thác khoáng sản ngoài không gian.

Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, một chương trình không gian mang tới ý nghĩa biểu tượng rất mạnh. Khi Mỹ và các nước khác đang thu nhỏ chương trình chinh phục vũ trụ và ISS trở nên lỗi thời, Trung Quốc có thể là nước duy nhất có người hiện diện trong vũ trụ. Dù lạc hậu và bị bỏ lại khá xa phía sau Mỹ và Nga trong cuộc đua vào vũ trụ, việc Trung Quốc đang tăng tốc nhanh và đạt được những thành tựu như hiện nay sẽ mang tới niềm tự hào quốc gia rất lớn cho người dân nước này.

Tường Linh

Đọc thêm