Trung tâm giống cây trồng tỉnh chọn lọc, lai tạo giống lúa mới

Từ trước năm 2000, Trung tâm giống cây trồng tỉnh đã nổi tiếng tạo và nhân dòng lúa mẹ BOA để tạo ra các tổ hợp lúa lai 3 dòng hệ Bắc ưu như Bắc ưu 903, Bắc ưu 64, Bắc ưu 253…, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh ta từ 100 tạ/ha/năm lên 122,86 tạ/ha (năm 2006). Diện tích sản xuất hạt lai F1 hệ Bắc ưu có lúc đã mở rộng tới 266ha ở hơn chục HTX trong tỉnh, sản lượng đạt 500 tấn hạt lai F1 mỗi năm cung cấp cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn.
Cán bộ Phòng kỹ thuật Trung tâm giống cây trồng tỉnh theo dõi sự sinh trưởng của giống lúa An Nhân 17-2 đang trồng thử nghiệm tại Trung tâm.
Ảnh: Đức Đạt

Từ trước năm 2000, Trung tâm giống cây trồng tỉnh đã nổi tiếng tạo và nhân dòng lúa mẹ BOA để tạo ra các tổ hợp lúa lai 3 dòng hệ Bắc ưu như Bắc ưu 903, Bắc ưu 64, Bắc ưu 253…, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh ta từ 100 tạ/ha/năm lên 122,86 tạ/ha (năm 2006). Diện tích sản xuất hạt lai F1 hệ Bắc ưu có lúc đã mở rộng tới 266ha ở hơn chục HTX trong tỉnh, sản lượng đạt 500 tấn hạt lai F1 mỗi năm cung cấp cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn. Do sản xuất được hạt lúa lai F1 với chất lượng không thua kém nhập khẩu nhưng giá chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng 1/2 giá nhập khẩu đã làm lợi cho nông dân cả tỷ đồng. Những năm 2005 trở lại đây với xu hướng sử dụng các giống lúa vừa cho năng suất khá, vừa cho chất lượng gạo ngon, và thời gian sinh trưởng ngắn. Các giống lúa lai 3 dòng hệ Bắc ưu ở tỉnh ta cấy giảm dần, đến vụ xuân 2010 chỉ còn rất ít giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá cấy trong các ruộng sâu trũng, thường xuyên úng ngập ở các huyện phía bắc tỉnh. Để thay thế giống lúa lai hệ Bắc ưu, ngay từ năm 2005, Trung tâm giống cây trồng tỉnh đã nghiên cứu chọn dòng lúa mẹ mới để sản xuất hạt lai F1 cung cấp theo nhu cầu của nông dân. Suốt nhiều năm tuyển chọn, nguồn lúa mẹ 21S để sản xuất ra hạt lúa lai 2 dòng F1 đã được trung tâm chọn, duy trì ổn định di truyền. Từ phòng thí nghiệm, nguồn lúa mẹ 21S đã được trung tâm lai với hàng trăm giống lúa bố, tạo ra trên 50 tổ hợp lai khác nhau, nhưng chỉ tuyển chọn được 2 giống có chất lượng gạo dài, trong, cơm ngon để sản xuất hạt lai F1. Hai giống này có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày trong vụ mùa, ngắn hơn nhiều so với hệ lúa lai Bắc ưu, thậm chí còn ngắn ngày hơn so với một số giống lúa lai 2 dòng, 3 dòng đang được cấy tại địa phương như HYT, VL20… Đây chính là thế mạnh để nông dân luân canh 3 vụ trên đất cấy 2 vụ lúa trong năm, trong đó vụ đông hàng hoá có thể được kéo dài 4 tháng trở lên… Vụ xuân năm 2010, trung tâm đã tổ chức cấy khảo nghiệm 2 giống lúa lai mới này tại các HTX đại diện cho các vùng sinh thái. Với ô nhỏ cấy khảo nghiệm, năng suất 2 giống lúa mới đã đạt 80 tạ/ha/vụ. Sản xuất hạt lai F1 khá dễ và năng suất có thể đạt trên dưới 4 tấn/ha/vụ.

Xu hướng nông dân tỉnh ta trong những năm gần đây đang cấy nhiều diện tích lúa thuần năng suất khá nhưng chất lượng gạo cơm ngon thay cho các giống lúa lai khô. Năm 2005 trở về trước, tỷ lệ lúa lai ở tỉnh ta cấy đạt 60% diện tích nhưng hiện nay bình quân chỉ đạt 35-40%, còn lại 60-65% diện tích cấy các giống lúa thuần năng suất, chất lượng khá. Chính điều này là động lực để Trung tâm giống cây trồng tỉnh nghiên cứu chọn, lai tạo tìm ra các giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng gạo ngon. Suốt 3-4 năm với 6-7 vụ lai tạo hữu tính, chọn dòng, lọc dòng, cấy khảo nghiệm… đã chọn được 3 giống lúa mới: An Nhân 17-2, An Nhân 18-2, An Nhân 18-4. Hai giống lúa An Nhân 18-2 và An Nhân 18-4 được trung tâm lai hữu tính giữa 2 giống lúa thuần NĐ1 và KD18 nên được hưởng đặc tính của NĐ1 bông to, số hạt/bông nhiều, chất lượng gạo, cơm khá và của KD18 phổ thích nghi rộng, thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 ngày), tính ổn định và độ mẩy cao. Thực tế qua cấy khảo nghiệm 2 giống này thời gian sinh trưởng ngắn (120-125 ngày với vụ xuân và 110-115 ngày với vụ mùa), năng suất đạt 65-67 tạ/ha, thâm canh tốt đạt trên 70 tạ/ha, chịu thâm canh, gạo thon dài và trong, chất lượng gạo khá. Đặc biệt giống lúa thuần An Nhân 17-2 do trung tâm lai hữu tính giữa 2 giống NĐ1 và BT7, được chọn lọc và làm thuần từ năm 2007. Giống An Nhân 17-2 được thừa hưởng ưu điểm của giống NĐ1 bông to, số hạt/bông nhiều… và gạo, cơm ngon của giống BT7. Giống được cấy cả 2 vụ trong năm, thời gian sinh trưởng tương đương BT7 (vụ xuân 125-130 ngày, vụ mùa 110-115 ngày); sinh trưởng khoẻ, đẻ nhánh khá, bông dài nhiều hạt, hạt màu nâu sẫm, thon dài. Năng suất khá (vụ xuân trên dưới 64 tạ/ha, vụ mùa trên dưới 62 tạ/ha), gạo trong, cơm dẻo, ngon. Thực tế vụ xuân năm 2010, giống An Nhân 17-2 cấy tại trung tâm năng suất đạt 228 kg/sào (63,3 tạ/ha) nhưng cấy tại huyện Giao Thuỷ năng suất đạt 265 kg/sào (73,6 tạ/ha). 3 giống lúa thuần An Nhân do trung tâm lai hữu tính đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của nông dân trong hiện tại và tương lai, song do được lai bằng phương pháp lai hữu tính nên chưa ổn định về dạng hình. Trung tâm đang tiếp tục chọn lọc để vài vụ nữa sẽ đưa ra đại trà khi dạng hình ổn định, năng suất và chất lượng cao hơn.

Ngoài lai tạo, chọn lọc các giống lúa, Trung tâm giống cây trồng tỉnh còn phục tráng một số cây màu như lạc, đỗ; nhân giống khoai tây Đức, Hà Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; nhân giống phi lao Trung Quốc bằng dâm hom và một số cây trồng thích ứng rộng để trồng rừng phòng hộ./.

Tuấn Anh

Đọc thêm