Trung tâm hỏa táng hiện đại bậc nhất Việt Nam “trùm mền”

(PLO) - Giá đất rẻ, việc xin cấp đất cũng dễ dàng nên tại Đà Nẵng, suốt bốn năm qua, trung tâm hỏa táng thuộc loại hiện đại loại bậc nhất thế giới phải chịu cảnh “trùm mền”.
Trung tâm hỏa táng đầu tư hàng chục tỉ bị “trùm mền”
Trung tâm hỏa táng đầu tư hàng chục tỉ bị “trùm mền”
Đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng với trang thiết bị thuộc loại hiện đại nhất trên thế giới, thế nhưng qua hơn bốn năm đưa vào hoạt động, Trung tâm hỏa táng An Phước Viên ở Đà Nẵng (tại huyện Hòa Vang) chỉ lèo tèo vài trăm ca. Điều này cho thấy người dân Đà Nẵng chưa thật sự mặn mà với hình thức hỏa táng.
Thành phố triệu dân, mỗi năm chỉ 41 ca hỏa táng
Trung tâm hỏa táng An Phước Viên được xây dựng trên diện tích 7,4ha với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng và là trung tâm hỏa táng đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 
Theo ông Huỳnh Minh Nhật - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.Hồ Chí Minh (đơn vị đầu tư), từ khi đưa vào hoạt động, Trung tâm đã có “khuyến mãi” cụ thể như miễn 100% chi phí không thời hạn đối với các đối tượng chính sách, đảng viên có 40 năm tuổi Đảng trở lên, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; người được hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ hưu trí có thời gian tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ chi phí 100% không giới hạn đối với các hộ thuộc diện nghèo trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, hỗ trợ 100% chi phí trong bốn năm đầu cho 300 ca là người dân Đà Nẵng đầu tiên. 
Chính sách hỗ trợ được xem “hấp dẫn” như thế, nhưng số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.Đà Nẵng cho thấy, số ca hỏa táng được thực hiện tại An Phước Viên trong bốn năm qua vẫn còn quá ít. Cụ thể, năm 2010 có 41 ca, năm 2011 có 56 ca, năm 2012 có 70 ca và năm 2013 gần 100 ca, từ đầu năm 2014 đến nay chỉ chưa đến 10 ca. 
Cũng theo đơn vị này, dù số lượng “nhúc nhích” tăng theo từng năm nhưng nếu so sánh với hai địa phương khác là TP.HCM và Hà Nội, số ca hỏa táng ở Đà Nẵng vẫn quá ít. Bình quân số cá hỏa táng tại Đà Nẵng trong một năm chỉ bằng của Hà Nội 20 ngày và của TP.HCM 10 ngày.
Một ca hỏa táng hiếm hoi được tổ chức tại An Phước Viên
Một ca hỏa táng hiếm hoi được tổ chức tại An Phước Viên 
Vì phong tục hay vì giá đất rẻ?
Lý giải điều này, ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng nhìn nhận, vì phong tục địa táng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Nhiều người vẫn có quan niệm cố hữu phải “mồ yên mả đẹp” cho người thân sau khi chết mới là “có hiếu, có đạo”. Mặt khác, công tác tuyên truyền về hỏa táng hiện nay cũng chưa được chú trọng đúng mức, nếu không muốn nói đang bỏ ngỏ… khiến cho Trung tâm An Phước Viên trở nên phí phạm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Phước (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kĩ thuật Đà Nẵng) cho biết, ở TP.HCM và Hà Nội, do đất chật, người đông, giá đất bán cho mộ phần đắt đỏ nên người dân mới tìm đến hỏa táng. Còn tại Đà Nẵng, giá đất dành cho địa táng còn rẻ, việc xin cấp đất cũng dễ dàng. Bên cạnh đó, thành phố lại đang quy hoạch thêm một số nghĩa trang mới, giá cả hợp lý. Ngoài ra, trong quá trình bố trí đất di dời mộ cho các tộc họ, thành phố còn bố trí đất dự phòng từ 5-10% để an táng khi có người từ trần. 
Đây là lí do khiến phần lớn người dân chọn địa táng. Và vì thế, chính sách khuyến khích của An Phước Viên mặc dù được xem như tối đa nhưng vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
Giảm cấp đất nghĩa trang để “cứu” Trung tâm hỏa táng
Trước thực trạng đìu hiu của hình thức hỏa táng, thời gian vừa qua, các ngành chức năng ở Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc hội thảo để tìm ra giải pháp. Đại đức Thích Chúc Tín - Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, giải pháp quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và tổ chức tôn giáo. Làm thế nào để mọi người dân đều biết và hiểu về ý nghĩa của hỏa táng; đồng thời cần giảm thiểu cấp đất xây dựng nghĩa trang, nghĩa trang tôn giáo, tư nhân, tộc họ.
Còn theo ông Lê Văn Toàn - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng), việc tuyên truyền hỏa táng phải được đẩy mạnh. Muốn vậy, gia đình cán bộ, đảng viên phải nêu gương, đi đầu, làm trước. “Khi đã thành phong trào, xu hướng thì tự nhiên người ta tìm đến” - ông Toàn nói. 
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Kế - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ đưa ra giải pháp cần xây dựng hạ tầng đồng bộ cho Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên. Hiện Trung tâm được quy hoạch ở vị trí khá thoáng rộng và đẹp, tuy nhiên lại thiếu nhà lưu tro cốt đạt chuẩn. Cũng nên tổ chức lễ hỏa táng thật chu đáo, trang nghiêm để người dân yên tâm lựa chọn.

Đọc thêm