Trào lưu aftersex xâm nhập vào Việt Nam
Bắt nguồn từ lối sống khá "thoải mái" ở các nước phương Tây, thời gian gần đây, những bức ảnh “aftersex” hoặc “aftersexselfie (sau khi quan hệ tình dục) được đăng tải nhiều trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Blog mà chủ nhân của nó là những 8x, 9x Việt Nam.
Hàng loạt các bức ảnh “aftersex” hoặc “aftersexselfie" ghi lại cảnh một cái ôm, một nụ hôn, những vết cào xước,... sau khi quan hệ tình dục và nhiều khi nhân vật đều trong tư thế... thiếu vải. Họ cho rằng những hình ảnh này là bình thường và thể hiện được sự hạnh phúc của họ.
Nickname Lanscen chia sẻ trên Intagram của mình: "Đơn giản vì chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, yêu thương. Quyền yêu đương, chụp ảnh là quyền riêng tư của mỗi người".
Trào lưu chụp ảnh sau khi quan hệ tình dục đang được yêu thích trên thế giới. |
Những bức ảnh “aftersex" xuất hiện như để khẳng định "chiến tích mây mưa" hoặc đánh dấu thời điểm "trưởng thành". Những bức ảnh này đặc biệt được giới bạn trẻ đồng tính chia sẻ nhiều như để "khoe" bạn tình của mình, ngoài ra những bức ảnh có thể "câu" số lượng like lớn.
Hình ảnh sau khi quan hệ của một cặp đôi đồng tính. |
Cách đây chưa lâu cũng có một cặp vợ chồng trẻ ở Hải Phòng đăng tải một bức ảnh "giường chiếu" với dòng chữ: "Nếu được 300 like thì vợ chồng mình sẽ đăng clip được không vợ?". Bức ảnh nhanh chóng được chia sẻ lan tràn trên Facebook và chiếm được một lượng like "khủng". Nhưng sau đấy cộng đồng mạng đã liên tục "ném đá" cặp đôi này khiến họ phải từ bỏ ý định đăng tải clip phòng the.
Trào lưu aftersex vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật
Bên cạnh một số cổ vũ, hô hào, nhiều người trong cộng đồng mạng cho rằng trào lưu đăng tải hình ảnh “aftersex" là việc làm phản cảm, trái với đạo đức xã hội. Vì thế mà sau khi những hình ảnh của các cặp đôi sau khi quan hệ tình dục được đăng tải, cũng nhận không ít lời mắng chửi.
Nickname Dương Linh cũng bức xúc bình luận: "Không hiểu họ nghĩ gì mà đăng tải hình ảnh này lên? Câu like một cách lố lăng, khoe cái gì không khoe, lại đi khoe cái này. Đúng là kiểu vô học thì mới đi khoe những cái này. Mình cũng bó tay với họ...".
Hình ảnh sau khi quan hệ của cặp vợ chồng trẻ ở Hải Phòng bị cộng đồng mạng "ném đá". |
Anh Nguyễn Tuấn Linh, nhân viên truyền thông tại Hà Nội cũng chia sẻ: "Đã là ảnh hở hang lố bịch là hình ảnh phản cảm rồi, không kể là nó đẹp hay không?. Tôi không thể chấp nhận được việc đăng tải hình ảnh ôm nhau trần truồng sau khi quan hệ. Hay thậm chí đang trong lúc quan hệ mà đưa máy ảnh lên chụp, rồi đăng tải lên mạng để câu like được. Tôi thừa nhận những hình ảnh này thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhưng kiểu gì họ chẳng bị chửi, bị khinh bỉ khi đăng tải hình ảnh đó".
Trao đổi với PLVN, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc đăng tải hình ảnh hoặc các bài viết có nội dung không lành mạnh như một việc làm để thể hiện bản thân là hoàn toàn trái với đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Nếu việc đăng tải đó nhằm mục đích tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy sẽ vi phạm Điều 253, Bộ luật Hình Sự.
Điều 253 quy định về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy ghi rõ: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Cũng theo luật sư Trương Quốc Hòe thì Nhà nước mới có Nghị định xử phạt các tổ chức, cơ sở sử dụng internet với mục đích sai trái. Nhưng với các cá nhân vi phạm thì chưa có văn bản điều chỉnh, vì vậy mà không có tính răn đe đối với cá nhân người dùng internet. Vì vậy, với tình hình sử dụng các trang mạng cá nhân như hiện nay thì cần phải ban hành các văn bản dưới luật nhằm điều chỉnh các hành vi mà bộ luật Hình sự chưa có chế tài xử lý .
Điều 253. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy ghi rõ:
Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
b) Phổ biến cho nhiều người;
c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
c) Đối với người chưa thành niên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Theo quy định của nghị định 72/2013 NĐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
“Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Được sử dụng dịch vụ của mạng xã hội trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.
2. Được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật
3. Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.”