Vì sao nhân viên thẩm mỹ viện ném xác vô can?

(PLO) - Tham gia trong quá trình phẫu thuật gây chết người, tham gia xóa dấu vết, tang vật, chứng kiến viêc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tưởng thủ tiêu xác nạn nhân, vậy nhưng những nhân viên của TMV Cát Tường lại trở thành vô can.  Giới luật ra cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc xác định tội danh của Nguyễn Mạnh Tường chưa chuẩn.
Vì sao nhân viên thẩm mỹ viện ném xác vô can?
Trong vụ án bác sỹ Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người, có mặt những nhân viên của cơ sở thẩm mỹ này từ lúc nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bước chân đến cho đến lúc bị đem xác đi phi tang. Sự việc càng “sốt xình xịch” khi cơ quan chức năng xác định có sự xuất hiện của vợ bác sỹ Tường từ sau khi chị Huyền tử vong. 
Nhưng tất cả họ không trình báo cơ quan chức năng diễn biến sự việc và lại được thoát tội, trở thành nhân chứng. 
Cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội đã đề cập đến vấn đề này thế nào? Và chứng cứ lập luận để những người này thoát tội liệu có thuyết phục?
Tiết lộ danh tính các nhân chứng
Cáo trạng cho biết, khoảng 11h ngày 19/10/2013 khi chị Huyền đến TMV Cát Tường làm phẫu thuật nâng ngực theo lịch  hẹn, ngoài bác sĩ Tường trực tiếp tiến hành phẫu thuật thì còn có các nhân viên là Lê Thị Ngọc Vân, Bùi Thị Hoa, Nguyễn Ngọc Thư chuẩn bị dụng cụ y tế; trong đó Vân, Hoa pha 5 chai thuốc tê để gây tê hút mỡ bụng, nâng ngực. 
Thực hiện phẫu thuật xong, đến khoảng 17h45, khi nhân viên của TMV gọi cho Tường báo chị Huyền tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, Tường gọi cho anh Nguyễn Quang Thành (bác sỹ cùng khoa với Tường ở Bệnh viện Bạch Mai) đến cấp cứu chị Huyền trong lúc mình chưa về kịp. 
Khi chị Huyền tử vong, Tường bảo nhân viên Hoa, Vân thay quần áo của chị Huyền vào người của chị Huyền. Sau đó, Tường báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên biết chị Huyền đã bị chết. Đồng thời, Tường và Lê Thị Thúy Mai (Phó Giám đốc TMV) báo cho 11 nhân viên (Ngô Hà Ly, Lê Huy Anh, Phạm Minh Châm, Lê Văn Công, Nguyễn Phương Long, Nguyễn Thị Hạnh, Hà Lan Anh, Vũ Thị Kim Cúc, Lê Thị Ánh Tuyết, Lê Văn Chiêm và Đào Quang Khánh) thu dọn, tháo dỡ đồ đạc như máy vi tính, camera, máy ảnh, sổ sách, dụng cụ y tế và các loại thuốc mang về chỗ ở của Mai và chỗ ở của Hà Lan Anh, Lê Thị Ánh Tuyết cất giấu.
Ở giai đoạn sau khi chết, một số “cộng sự” của Thành cũng có mặt khá tích cực. Thời điểm đi vứt xác nạn nhân, các nhân viên vẫn có mặt đầy đủ, trong đó có Hằng, Công, Mai còn đi theo xe ô tô vứt xác chị Huyền. 
Như vậy, các giai đoạn phạm tội của Tường đều có mặt các nhân viên nhưng họ đã không hề khai báo với cơ quan chức năng. Việc họ thoát tội và trở thành “nhân chứng” khiến dư luận không khỏi hoài nghi…
Vì sao 16 người vô can?
Cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội lý giải sự thoát tội của các đối tượng như sau: Vợ Tường biết Tường, Khánh mang xác đi vứt xuống sông và nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt. hành vi trên của Hằng không phạm tội, cơ quan điều tra không đề cập, xử lý là có căn cứ.
Với Phó Giám đốc Mai và các nhân viên Tuyết, Hoa và Thư có hành vi thử HIV và thử phản ứng với thuốc tê, chuẩn bị dụng cụ, phụ giúp cho Tường thực hiện phẫu thuật, những người biết Tường đã thực hiện việc hút mỡ, nâng ngực gây hậu quả bị tử vong nhưng không tố cáo với cơ quan chức năng (gồm Tuyết, Long, Công, Huy Anh, Châm, Ly, Bùi Kim Chung, Hạnh, Lương Thị Thanh, Cúc, Lan Anh), do hành vi này không cấu thành tội, cơ quan điều tra không đề cập xử lý là cócăn cứ. 
Đối với hành vi không tố cáo của bác sỹ Thành, cáo trạng cũng nêu không cấu thành tội, cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (ĐLS TP.Hà Nội) phân tích, các nhân viên tham gia phụ giúp bác sỹ Tường phẫu thuật gây nên cái chết nhưng họ không là đồng phạm vì Tường phạm tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. 
Đây là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, trong khi đó, dấu hiệu thỏa mãn đồng phạm theo quy định của Luật Hình sự (Điều 20) là phải hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, vì vậy không có căn cứ xử lý các nhân viên.
Ngoài ra, tội “không tố giác tội phạm” còn quy định, người không tố giác là vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng. 
Vậy nên hành vi của chị Hằng - vợ bác sỹ Tường không cấu thành tội phạm. 
Tuy nhiên, rõ ràng hành vi của những người trên nguy hiểm mà vẫn thoát tội bắt nguồn từ việc truy tố tội bác sỹ Tường là chưa thuyết phục. 
Nhiều luật sư nhận định, khi chưa làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân thì truy tố bác sĩ Tường về tội gì cũng khó có thể chính xác. Và việc xác định bác sỹ Tường “dính” tội vô ý, tội ít nghiêm trọng thì những người liên quan sẽ thoát tội và dư luận bức xúc là có cơ sở. 
Tuy vậy,  hành vi có dấu hiệu che giấu, không tố giác, tẩu tán tài sản của các đối tượng trên vẫn không bị xử lý hành chính là chưa thỏa đáng./.