Năm 2020, Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2020, Trung tâm đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL và Sở Tư pháp ban hành 04 kế hoạch. Tổ chức 6 đợt tập huấn, bồi dưỡng với gần 535 người tham dự, qua đợt tập huấn, bồi dưỡng các đối tượng tham dự đều nắm bắt được những chủ trương, quyết định của pháp luật về TGPL, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Về hoạt động truyền thông và tư vấn ngoài trụ sở theo ngân sách địa phương, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã triển khai được 09 đợt truyền thông về cơ sở cho các xã, thôn, bản không thuộc đối tượng được truyền thông; thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho gần 50 trường hợp, số người tham gia nghe truyền thông khoảng 520 lượt người.
Năm 2020 hoạt động truyền thông của Trung tâm cũng không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ dịch Covid 19, tuy nhiên Trung tâm đã có rất nhiều biện pháp để khắc phục, như là: soạn thảo và phát hành các băng đĩa thu âm nội dung về luật trợ giúp pháp lý bằng tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng H’mông để tăng cường truyền thông qua loa phát thanh của xã, xóm, thôn, bản,…
Số lượng vụ việc của Trung tâm năm 2020 có biến động theo hướng tăng lên so với cùng kì năm 2019, cụ thể, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện được 1.011 vụ việc, trong đó có 110 việc tư vấn, 01 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; 900 vụ việc tham gia tố tụng (gồm 732 vụ việc bào chữa, 168 vụ việc bảo vệ quyền lợi).
“Nhận được những lời cảm ơn chân thành, những món quà quê giản dị của người dân sau những lần trợ giúp chúng tôi vui lắm. Không phải là quà đắt tiền hay quà quý mới vui mà với họ đó là tấm chân tình mộc mạc không mua được bằng tiền hoặc nhiều tiền, đó cũng chính là động lực lớn lao để đội ngũ trợ giúp viên như chúng tôi cố gắng hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế” – trợ giúp viên Lê Văn Lý chia sẻ.
Ông Lê Văn Lý, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An vẫn không thể quên được một trường hợp người được trợ giúp hết sức đặc biệt. Theo đó, ông Chu Văn B (trú tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An là gia đình có công với cách mạng, là đối tượng được trợ giúp, xảy ra một vụ tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất.
Năm 2018, gia đình ông Chu Văn Q (người dân địa phương) có đơn kiện ông Chu Văn B về việc lấn chiếm đất vườn rừng, sau nhiều lần hòa giải ở xã không thành, ông Chu Văn B đã làm đơn đề nghị được trợ giúp pháp lý và sau đó được trợ giúp viên Lê Văn Lý tiếp nhận, vụ việc được chuyển lên TAND huyện Anh Sơn thụ lý. Tại phiên sơ thẩm, mặc dù có nhiều luận cứ có lợi cho người được trợ giúp nhưng tòa đã tuyên ông B thua kiện.
“Tôi đã hướng dẫn cho ông Chu Văn B làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Nghệ An, nhờ có chứng cứ mấu chốt đó là ông Chu Văn Q đã chỉnh sửa số 1,0 thành 1,8759 trong hồ sơ giao đất lâm nghiệp, tình thế được đảo ngược. Trước phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh đã tiến hành hòa giải, kết quả là hai bên đã chấp nhận vui vẻ bắt tay nhau. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, nên ông Chu Văn B đồng ý giao đất cho ông Chu Văn Q và nhận 60 triệu đồng”, trợ giúp viên Lê Văn Lý chia sẻ.
Sau khi được trợ giúp, ông Chu Văn B không giấu nổi sự phấn khởi, vui mừng: “Tôi sẽ về thôn, xóm thông báo rộng rãi với bà con để gia đình nào có việc gì cần sẽ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý”.
Hay như nhiều trường hợp khác, sau những lần được trợ giúp họ trở lại với những món quà quê như bó rau, chục trứng gà, cân nếp…
Nhờ có đội ngũ người thực hiện TGPL ngày càng có kinh nghiệm và được nâng cao về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình, trách nhiệm (nhất là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý), nên công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện một cách trơn tru và có hiệu quả nhất. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Sở Tư pháp nên quá trình thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm rất thuận lợi.
Hoạt động TGPL đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình, đó là thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, giúp đỡ về mặt pháp luật cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội. Trợ giúp pháp lý đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống pháp luật của mọi người dân.