Muốn đất nước phát triển, phải kiểm soát quyền lực và quy trách nhiệm người đứng đầu. Đây là ý tưởng sống còn, là nguyện vọng mong muốn của toàn dân Việt Nam.
Điều này được thể hiện rất rõ trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, những bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới được nêu cụ thể, chi tiết.
Ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, bày tỏ: “Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, điều tôi và nhiều Đảng viên tâm đắc nhất là: Làm thế nào để kiểm soát được quyền lực, đừng để Đảng viên tha hóa, lạm dụng quyền lực, làm cho nhân dân mất niềm tin. Điều này không chỉ Tổng Bí thư mà toàn dân cũng mong muốn như vậy”.
Trải qua nhiều kỳ ĐH Đảng, người dân luôn mong muốn mỗi kỳ ĐH đánh dấu một sự đổi mới. Không những đổi mới về nhân sự mà cả về phương hướng mục tiêu xây dựng đất nước. Điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm người đứng đầu. Ở mỗi cấp, đơn vị cụ thể, trách nhiệm người đứng đầu là quan trọng nhất, vì đây là yếu tố quyết định”.
“Ở đâu người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ở đó mọi công việc sẽ suôn sẻ, tốt đẹp. Ở đâu người đứng đầu hẹp hòi, cục bộ, ích kỷ, không dám nghĩ, không dám làm, việc gì cũng mang ra để dựa dẫm vào tập thể, cuối cùng đổ lỗi chung cho tập thể, thì công việc chắc chắn sẽ không tốt, thậm chí trì trệ. Cần phải xác định, với cương vị người đứng đầu là đương nhiên phải chịu áp lực, phải biết trước những áp lực đó”, ông Dương nêu ý kiến.
Về nội dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu: “Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; ông Dương bày tỏ: “Muốn đất nước phát triển phải có những bước đột phá, làm tốt khâu đột phá. Trước kia chúng ta cứ xác định đột phá thể chế, đột phá về hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng cuối cùng vẫn là vai trò lãnh đạo của Đảng là chính và đó chính là tổng hợp, sự lãnh đạo của từng Đảng viên được giao trọng trách. Cho nên, cần có bước đột phá về công tác cán bộ ở các cấp”.
“Trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách”.
“Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động”.