Vượt qua gần 200 bản thảo tham dự cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4, Trương Anh Quốc (TAQ), chàng kỹ sư điện 34 tuổi, làm việc trên tàu viễn dương, quê xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã đoạt giải nhất với tiểu thuyết “Biển”. Anh cũng chính là tác giả của tập truyện ngắn “Sóng biển rì rào”, đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần 3 (2005); tác giả tập truyện Lũ đầu mùa (2008), có nhiều tác phẩm in trong các tuyển tập, báo, tạp chí.
|
Cây bút đoạt giải Trương Anh Quốc chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Nguyên Ngọc. |
ĐNCT có cuộc trò chuyện ngắn với anh:
* ĐNCT: Anh có thể chia sẻ một chút về tác phẩm đầu tiên của mình? Khi ấy, điều gì khiến anh muốn cầm bút và viết một tác phẩm văn học?
- Ngày xưa tôi học khối A nên không biết gì về văn, nhưng tình yêu văn học làm tôi ham đọc, thế là tập tành viết gửi báo rồi được đăng ở các báo tuổi mới lớn. Khi truyện ngắn Đồng hương được giới thiệu trên Tuổi Trẻ Chủ nbhật năm 2002, tôi mới thấy mình cũng có khả năng viết. Sau đó hễ dự thi là tôi có giải, dù là giải nhỏ. Vui đến nỗi nhà văn Nguyễn Đông Thức thấy có cuộc thi viết nào là “xúi” tôi thi.
Tôi lười biếng lắm, mấy khi viết đâu; chỉ viết khi quá bức bách, lúc những điều muốn nói không nói được (không có người nghe) đành phải viết vậy.
* ĐNCT: Là người xứ Quảng, anh có những tác phẩm nào viết về vùng đất này?
- Tôi chưa viết riêng một cuốn sách về nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng cũng có một vài truyện ngắn trong tập Lũ đầu mùa. Bạn có thể vào mạng đọc Cô gái đến từ phương Bắc cũng được. Tôi thường đi xa ít về quê, bạn đọc thử truyện có còn mang âm hưởng đất Quảng không nghe?
* ĐNCT: Thời gian gần đây, văn học Quảng Nam, Đà Nẵng khá trầm lặng so với hai đầu đất nước. Điều này có ảnh hưởng đến tâm lý của anh khi viết bài dự thi Văn học tuổi 20?
- Nhà thơ Mai Hữu Phước từng nói văn học Đà Nẵng không như hai đầu đất nước, giống mạch sóng ngầm âm thầm chảy vào biển lớn… Thái Bá Lợi, Nguyễn Nhã Tiên, Tiêu Đình, Phan Chín, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang cũng đang chảy cùng dòng văn học cả nước đấy thôi. Quảng Nam-Đà Nẵng vốn là mảnh đất Ngũ Phụng Tề phi, muôn đời yêu văn học mà, thôi đành chờ vậy. Văn chương cần lắm sự giao lưu học hỏi. Và tại sao chúng ta không nối lại các giao lưu ươm mầm cho văn học trẻ?
Xưa nay tôi viết không bị áp lực gì. Khi gửi dự thi Văn học tuổi 20 lần này tôi phân vân là ghi tên mình ở đâu: TP. Hồ Chí Minh hay Quảng Nam? Tôi đã gia nhập Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh rồi mà. Vào Hội là phải nhập hộ khẩu. Cuối cùng tôi chọn làm người con của Quảng Nam để dự thi là cũng muốn cho văn học đất Quảng hồi sinh. Trong văn chương có độ kích rất lớn. Thừa thắng xông lên, biết đâu các bạn trẻ đất Quảng lại tiến nhanh tiến mạnh thì sao.
* ĐNCT:. Ở những tình huống tranh luận, anh đã góp nhặt được những gì để đưa vào tác phẩm của mình?
- Điều này thì tôi là dân “Quảng Nam... hay cãi” chính hiệu. Khi tranh luận mới vỡ ra nhiều thứ chứ. Bạn đọc Biển sẽ thấy đậm đặc chất Quảng Nam dù rằng tôi hiếm khi dùng từ của đất Quảng!
* ĐNCT: Là một thủy thủ trên tàu viễn dương, thời gian trên đất liền không nhiều, những câu chuyện anh viết là do anh hình dung ra hay đó là những tình huống anh gặp phải? Khi không còn gắn bó với biển, anh sẽ hướng cây bút của mình vào những góc nhìn khác?
- Có tích mới dịch ra tuồng, nhưng hư cấu mới trở thành văn chương. Bây giờ phương tiện hiện đại chứ đâu phải ở thế kỷ 19 mà phải đi ra đường mới gặp. Trước nay tôi cũng viết đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng thế mạnh của tôi vẫn là biển.
Tiểu Yến (Thực hiện)