Tỉnh táo nhận diện “cạm bẫy” trong đàm phán hợp đồng
Anh Nguyễn Long (sinh năm 1976), tốt nghiệp khoa Luật Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội vào năm 1998. Thời điểm ấy, anh Long là một trong 5 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất được giữ lại trường làm việc.
Ban đầu anh Long làm công tác trợ giảng, sau 2 năm thì chuyển sang Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý (thuộc khối thực hành của nhà trường). Công việc chủ yếu mà anh Nguyễn Long làm khi đó là tư vấn pháp luật cho người nghèo, người yếu thế nằm trong các dự án của các tổ chức phi chính phủ; Rồi tổ chức các dự án nâng cao năng lực pháp luật cho hội đồng nhân dân các tỉnh, các cán bộ thôn do các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)… tài trợ.
Môi trường làm việc ít áp lực có vẻ không hợp với chàng sinh viên xuất sắc được giữ lại trường. Đúng lúc ấy, Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) thông báo tuyển dụng. Anh Long lập tức nộp hồ sơ dự tuyển và chuyển công tác vào năm 2003.
“Ngợp” là từ mà anh Long chia sẻ khi nói về những ngày đầu tiên sang làm việc tại bộ phận pháp chế PV Drilling bởi ngay từ mục tiêu của 2 đơn vị đã khác nhau. Trong khi ở nơi cũ, Nguyễn Long chỉ làm các dự án phát triển cộng đồng thì ở “ngôi nhà” mới, gắn liền với công việc kinh doanh, gắn liền với lợi nhuận. Rồi phương thức làm việc cũng khác hẳn. Trước đây chỉ gửi mail làm hợp đồng theo hợp đồng mẫu, các điều khoản rất fair (hài hòa lợi ích) nhưng sang PV Drilling, nguyên khoản soạn hợp đồng đã khác hẳn và những đặc thù của ngành mà nói ra lúc ấy còn bỡ ngỡ…
Tuy nhiên, anh Long chia sẻ, điều may mắn với anh khi đó là đã có được 2 sự hỗ trợ thiết yếu. Đầu tiên là “thiên thời” khi PV Drilling đang bước vào giai đoạn bắt đầu phát triển và có được môi trường rất thuận lợi để phát triển kinh doanh. Tiếp đó là môi trường làm việc tốt đoàn kết, chuyên nghiệp và thượng tôn pháp luật.
“Chính những con người nhiệt huyết, chuyên nghiệp và luôn thượng tôn pháp luật đã truyền lửa, rèn dũa, dìu dắt “tay lính mới” là tôi rất nhiều trong những ngày đầu” - anh Long bộc bạch.
Trưởng ban Pháp chế PV Drilling Nguyễn Long |
Những cuộc đàm phán đầu tiên anh tham dự luôn đem lại những kiến thức mới mẻ, những kinh nghiệm hay từ các anh chị đồng nghiệp lão luyện đi trước. Thậm chí, anh học được từ các đối tác "sừng sỏ" trên bàn đàm phán như BP, Chevron, Baker Hughes, BJ… và những “nghiệp vụ” trọng yếu trong hợp đồng dịch vụ dầu khí quốc tế như hợp đồng giáp lưng, điều khoản miễn trừ trách nhiệm song phương, giới hạn trách nhiệm, lỗi cẩu thả và lỗi cố ý… và điều đó đã khiến anh nhận thấy đây là công việc đáng để theo đuổi và phát triển nghề nghiệp.
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, học được nhiều điều cũng như trải qua bao kinh nghiệm xương máu cùng với sự phát triển của PV Drilling, giờ đây, anh Nguyễn Long và đội ngũ PV Drilling hoàn toàn tự tin, không còn bị “ngợp” khi làm việc với các công ty lớn trên thế giới mà đã có thể làm việc khá ngang cơ và có được sự nể trọng nhất định từ họ. Để đạt được điều này, ngoài nguyên lý “đôi bên cùng có lợi” thì tâm thế người đàm phán phải luôn giữ nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tỉnh táo nhận diện ra những “cạm bẫy”.
Anh Long chia sẻ, nguyên tắc quan trọng nhất của nghề “luật sư cho công ty” là “tròn vai”. Phải chỉ rõ và đánh giá được các vấn đề về mặt pháp lý dưới góc độ tuân thủ luật để cho người có thẩm quyền của doanh nghiệp có đủ thông tin tốt nhất, kết hợp với các thông tin tư vấn về tài chính, thương mại, kỹ thuật… để ra được quyết định cuối cùng. Chính vì vậy, khi đàm phán, làm việc với đối tác, ưu tiên số 1 của Long và đội ngũ pháp chế là phải nhìn ra các vấn đề pháp lý mà không bị tác động bởi cái nhìn chỉ nhắm vào lợi nhuận hoặc lợi ích tài chính hay kỹ thuật.
Với nguyên tắc này, thước đo cho một cuộc đàm phán thành công không phải bao giờ cũng là một bản hợp đồng được ký kết mà là làm rõ, dự trù được tối đa mọi khía cạnh của vụ việc, dự liệu các giải pháp pháp lý cho các vấn đề rủi ro có thể phát sinh để người có thẩm quyền ra được quyết định “ký hay không ký”. Anh Nguyễn Long khẳng định: “Nhiều khi, không ký hợp đồng cũng là một thành công nếu mình nhìn ra được và xác định được hợp đồng đó có rủi ro quá lớn mà không giảm thiểu hay cân đối được bằng các giải pháp sẵn có”.
Và anh Long kể về trường hợp đàm phán một hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài ở châu Mỹ. Hành trình đàm phán này đã đem đến cho đội ngũ PV Drilling một ấn tượng đặc biệt, đặc biệt từ văn hoá giao tiếp cho tới cung cách làm việc và cách nhận thức về pháp luật. Mặc dù hai bên rất thiện chí và quan hệ hữu nghị nhưng những rào cản khác biệt về pháp lý là quá lớn. Trong khi các giải pháp cần thiết để loại bỏ hoặc hạn chế các rào cản bất lợi đó đã được phía PV Drilling đề xuất đưa vào hợp đồng liên doanh nhưng phía đối tác không chấp nhận nên cuối cùng đã không ký kết được hợp đồng liên doanh. “Và thực tế đã chứng minh việc không ký kết hợp đồng liên doanh này là một thành công của PV Drilling” - anh Long nhớ lại.
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Long tại Đại hội đồng cổ đông PV Drilling |
“Chiến thần” xử lý tranh chấp
Trong văn bản “giới thiệu” về Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Long, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết “Với việc tham gia của Ban Pháp chế mà đứng đầu là anh Nguyễn Long, PV Drilling đã tránh được việc phải đưa hơn 10 vụ việc ra tòa án hoặc trọng tài kinh tế”.
Khi chúng tôi hỏi về “dòng giới thiệu” này, Trưởng ban Pháp chế của PV Drilling cho biết, việc giải quyết những tranh chấp này còn tùy thuộc vào thiện chí của đối tác và “chiến thuật của bên mình”. Và anh Long kể về một trường hợp khó khăn mà PV Drilling gặp phải khi PV Drilling ở vào thế “bên vi phạm” vì quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do hoạt động thay đổi và không còn nhu cầu tiếp tục hợp đồng.
Thời điểm ấy, phía đối tác rất quyết liệt đòi tiếp tục phải thực hiện đúng hợp đồng và thực hiện các biện pháp để xử lý, bao gồm cả các biện pháp vi phạm pháp luật. Trước tình huống đó, ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, Ban Pháp chế PV Drilling đã thực hiện từng bước để một mặt giảm căng thẳng tình hình (yêu cầu đối tác tham khảo ý kiến luật sư để tránh các hành động vi phạm pháp luật như kiểu không cho phép chuyển tài sản đi khỏi văn phòng...), một mặt khai thác thông tin từ hợp đồng để từng bước tác động làm thay đổi ý định của đối tác.
Khi hai bên tiến hành xử lý, PV Drilling đã chủ trương giữ vững nguyên tắc chuyên nghiệp, trả lời đầy đủ các lập luận, yêu sách của đối tác. Khi đàm phán về các điều kiện bồi thường theo hợp đồng, Ban Pháp chế PV Drilling đã khai thác tối đa các lợi thế trong hợp đồng, theo pháp luật và những điểm yếu của đối tác để đưa ra những điều kiện chặt chẽ tuân thủ pháp luật. Kết quả cuối cùng là trước lập trường nguyên tắc vững vàng, các điều kiện chặt chẽ của PV Drilling, phía đối tác đã từ bỏ yêu sách đòi bồi thường và PV Drilling chỉ phải trả tiền đến thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Anh Nguyễn Long (bìa trái) cùng cộng sự bàn kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật |
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Long chia sẻ, các vụ việc, vướng mắc phát sinh trong hoạt động thường ngày của doanh nghiệp là chuyện bình thường. Số lượng các vụ việc và mức độ phức tạp tăng lên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế - dịch bệnh nói chung cũng là điều hợp quy luật. Vấn đề là ở chỗ doanh nghiệp cần đối phó với chúng như thế nào.
Với Ban Pháp chế PV Drilling, mọi thành viên đều thấm nhuần phương châm chuyên nghiệp: xử lý theo đúng nguyên tắc nghiệp vụ, kỹ càng ngay từ những khâu đầu (soạn, chỉnh, sửa từng câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy trong các dự thảo, tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy trình làm việc, thời hạn, lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan, theo dấu công việc…) để hạn chế thấp nhất các sai sót/hớ hênh chủ quan có thể dẫn đến những vụ việc, tranh chấp ở khâu sau. Riêng việc siết chặt và hạn chế các nguyên nhân chủ quan này cũng đã góp phần giảm khá nhiều các tranh chấp/vướng mắc.
Đối với các vụ việc/tranh chấp phát sinh, nguyên tắc xử lý luôn là ưu tiên theo sát vụ việc, tìm hiểu thấu đáo, thông tin thông suốt “biết mình biết người” (tập trung thu thập các thông tin về nội tình, các vướng mắc… của đối tác) để giải quyết một cách hợp lý hợp tình nhất cho các bên. Các vụ việc cơ bản sẽ được chia làm 2 loại: bên mình có lợi thế nhiều hơn và bên đối tác có lợi thế nhiều hơn. Với vụ việc mình có lợi thế thì sẽ thuận lợi áp dụng nguyên tắc “tấn công thận trọng”. Với vụ việc đối tác có lợi thế thì phải áp dụng nguyên tắc “phòng thủ phản công”, chỉ rõ cho đối tác thấy các điểm yếu của họ, những cái được cái mất khi đẩy vụ việc đi theo hướng nào đó… để đạt được thoả thuận giải quyết tranh chấp có lợi nhất.