Theo đó, Nghị quyết chỉ rõ: tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như tổ chức bộ máy, đội ngũ giảng viên của Trường ngày càng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; quy mô đào tạo từng bước được mở rộng; hoạt động nghiên cứu khoa học đạt được nhiều kết quả tích cực; hợp tác quốc tế và hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước ngày càng thực chất; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập ngày càng hiện đại, góp phần quan trọng vào việc thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cho đất nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay thì tổ chức, hoạt động của Trường vẫn còn hạn chế. Do đó, Đảng Bộ Tư pháp đã đề ra phương hướng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung ưu tiên các nguồn nhân lực, vật lực để đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội có chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật hàng đầu của đất nước; tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi về tổ chức hoạt động.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng phải đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, đạo đức của đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động trong thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Quản trị, tự chủ đại học và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động theo hướng đủ về số lượng và mạnh về chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là tập trung thực hiện xây dựng môi trường và điều kiện giáo dục theo hướng đưa người học làm trung tâm của hoạt động đào tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học.
Tăng cường hợp tác, trao đổi trong nước và quốc tế. Đồng thời kết hợp giữa lý luận với thực tiễn để phát huy tối đa vai trò, thế mạnh của từng đơn vị thuộc Bộ Tư pháp gắn kết với các hoạt động cụ thể của Trường Đại học Luật Hà Nội và ngược lại.