Có còn quyền làm cha mẹ khi chuyển đổi giới tính?

(PLVN) - Đây là vấn đề mà rất nhiều người chuyển giới (NCG) quan tâm, bởi nếu không được pháp luật bảo vệ, họ sẽ buộc phải đứng giữa hai sự lựa chọn: sống cho riêng mình thì mất con cái; hay vẫn được làm cha/mẹ nhưng cả đời khắc khoải với khát khao sống đúng với giới tính thật của mình.
NCG bày tỏ vui mừng khi Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận việc CĐGT của cá nhân được Quốc hội thông qua, tuy nhiên họ vẫn cần tiếp tục được pháp luật bảo vệ để có thể sống trọn vẹn với giới tính thật của mình.
NCG bày tỏ vui mừng khi Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận việc CĐGT của cá nhân được Quốc hội thông qua, tuy nhiên họ vẫn cần tiếp tục được pháp luật bảo vệ để có thể sống trọn vẹn với giới tính thật của mình.

Mối quan hệ cha - mẹ - con không thay đổi 

Bộ luật Dân sự năm 2015 có Điều 37 ghi nhận việc chuyển đổi giới tính (CĐGT) của cá nhân và dự thảo Luật CĐGT đang được Bộ Y tế xây dựng. Những bước tiến về mặt pháp luật này đang rất được cộng đồng NCG ở Việt Nam mong chờ, bởi từ trước đến nay nhóm người này luôn phải sống trong sự kỳ thị, không thấu hiểu của gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, theo quan điểm của dự thảo Luật CĐGT thì việc can thiệp y học để CĐGT chỉ được thực hiện đối với người độc thân tức là người chưa có vợ hoặc có chồng hoặc đã có vợ/có chồng nhưng đã ly hôn hoặc một bên vợ chồng đã chết. Như vậy, những người đang có hôn nhân hợp pháp, đang tồn tại quan hệ vợ chồng không được thực hiện các can thiệp y học để CĐGT.

Quan điểm này của các nhà làm luật đã làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng NCG, bởi trong thực tế có nhiều NCG vì áp lực gia đình, vì thương cha mẹ đau khổ mà họ vẫn phải cắn răng lập gia đình, thậm chí là có con chung. Và với quy định pháp luật như vậy thì bắt buộc phải từ bỏ gia đình, con cái của mình để có thể được CĐGT.

Hay nói cách khác, khi đó họ sẽ buộc phải đứng giữa hai sự lựa chọn: sống cho riêng mình thì mất con cái; hay vẫn được làm cha/mẹ nhưng cả đời khắc khoải với khát khao sống đúng với giới tính thật của mình. 

Có mặt tại hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật CĐGT” của ĐH Luật Hà Nội, Chu Thanh Hà – một NCG nam đặt câu hỏi: “Quyền làm cha mẹ của người CĐGT, liệu có được pháp luật bảo vệ, hay luật buộc NCG phải chọn sống vì mình hoặc vì con cái, gia đình mà không thể có giải pháp giúp NCG có được hạnh phúc trọn vẹn? Câu hỏi đặt ra là một ông bố hoặc bà mẹ sau khi CĐGT thành công nhờ can thiệp y học thì có mất quyền làm cha/mẹ đã có từ trước của mình hay không?”

Bàn về vấn đề này, Giảng viên chính, Tiến sĩ luật học Nguyễn Phương Lan – Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng sau khi diễn ra việc CĐGT thành công nhờ can thiệp y học thì mối quan hệ giữa cha – con hay mẹ - con của người CĐGT không có thay đổi gì vì việc CĐGT. 

“Mặc dù đã thay đổi sang giới tính mới đối lập, nhưng tư cách là cha hay mẹ của con vẫn được xác định như trước khi có việc CĐGT. Điều này được thể hiện rõ trong quy định tại Khoản 5 Điều 3 dự thảo Luật CĐGT.

Theo đó, việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của người CĐGT sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ pháp luật mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin, cũng như những quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ như trong thời kỳ hôn nhân, cặp vợ chồng nhận nuôi con nuôi, đứa con đó là con nuôi chung của hai vợ chồng. Nếu một bên thực hiện các can thiệp y học để CĐGT thì sau đó tư cách là mẹ hay là cha của đứa con vẫn không thay đổi, mặc dù giới tính của họ đã chuyển sang giới tính mới đối lập” – TS. Nguyễn Phương Lan phân tích. 

Vẫn bỏ ngỏ câu trả lời nếu chuyển giới không qua phẫu thuật?

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ NCG chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số và không phải người nào trong số họ cũng có nhu cầu phẫu thuật để chuyển giới. Hành trình để có được ngoại hình đúng với bản dạng giới mong muốn như Hương Giang, Lâm Chí Khanh… đòi hỏi họ có rất nhiều bản lĩnh và can đảm.

Song còn nhiều NCG lo lắng sức khoẻ bị ảnh hưởng, sự mất kiểm soát khi phẫu thuật hay sử dụng hoormone hoặc không đủ chi phí hay đơn giản là không muốn tiến hành can thiệp y học để chứng minh bản dạng giới của mình nên đã không chọn bất kỳ hình thức can thiệp nào. 

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy, 78% NCG muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 NCG thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật CĐGT. Số còn lại không muốn vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%. 

Chính vì thế, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật CĐGT vẫn tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau như: quan điểm cho rằng CĐGT không nhất thiết phải gắn với việc thực hiện các liệu pháp can thiệp về mặt y học; quan điểm cho rằng chỉ thông qua can thiệp phẫu thuật thì mới được công nhận là CĐGT; quan điểm bên cạnh can thiệp phẫu thuật phải được pháp luật thừa nhận giới tính mới thì mới được gọi là CĐGT...

Nhưng trên thực tế cho thấy NCG sẽ phải với những rủi ro khi phẫu thuật với xác suất thành công là 50/50 và nếu chuyển giới may mắn thành công họ cũng sẽ bị giảm tuổi thọ, cùng với đó là những chi phí tiền thuốc đắt đỏ để duy trì…

Do đó, theo PGS.TS Ngô Thị Hường – Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội bên cạnh việc cần thiết phải sớm ban hành Luật CĐGT thì nhà làm luật cũng cần cân nhắc khi xây dựng các quy định nhằm buộc NCG phải phẫu thuật hoặc can thiệp y tế thì mới được công nhận là CĐGT, vì theo PGS.TS Ngô Thị Hường quy định như vậy là chưa phù hợp với quan điểm đảm bảo quyền con người. 

Với quan điểm như hiện nay, dự thảo Luật CĐGT mới chỉ có quy định về những hệ quả pháp lý đối với người đã hoàn thành CĐGT thành công nhờ can thiệp y học, mà chưa hề có quy định với những người có mong muốn chuyển giới mà không qua can thiệp y học. Như vậy, như nhiều vấn đề liên quan khác, phải chăng câu hỏi “pháp luật có bảo vệ quyền làm cha mẹ của người CĐGT mà không thông qua can thiệp y học” vẫn còn bỏ ngỏ. 

Đọc thêm