Tuy nhiên, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ tính đến nay đã hơn 14 tháng, bà vẫn chưa nhận được quyết định thôi quốc tịch từ phía Việt Nam.
Theo bà tham khảo Quyết định số 654/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực quốc tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, thời hạn giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền là 60 ngày đối với trường hợp không phải xác minh nhân thân và 90 ngày đối với trường hợp phải xác minh nhân thân.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, bà Quỳnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện giải quyết hồ sơ của bà sớm.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Ngày 16/9/2016, Bộ Tư pháp nhận được hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của bà Quỳnh kèm theo Công văn số 13-16/QT1 ngày 12/9/2016 của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức (qua Phiếu gửi số 112/PG-LS-LSNN ngày 15/9/2016 của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).
Do bà không thuộc diện được miễn thủ tục xác minh về nhân thân theo quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam, nên ngày 30/9/2016, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã có Công văn số 1343/HTQTCT-QT gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị thẩm tra, xác minh.
Đến ngày 31/10/2017, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an có Công văn số 13655/A72-P3 trả lời kết quả xác minh. Hiện hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của bà đang được Bộ Tư pháp làm thủ tục trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân:
1. Người dưới 14 tuổi;
2. Người sinh ra và định cư ở nước ngoài;
3. Người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên;
4. Người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.
(Theo Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam)