Trường hợp nào được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét xóa nợ gốc?

(PLVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ bảo lãnh tín dụng), trong đó nêu điều kiện để khách hàng được xem xét xóa nợ gốc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

5 trường hợp được xem xét xử lý rủi ro

Thông tư số 57/2019/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019, hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng sau khi được Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Thông tư quy định 5 trường hợp được xem xét xử lý rủi ro. Nhóm thứ 1 là khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký. Nhóm thứ 2 là khách hàng bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhóm thứ 3 là nhóm khách hàng mà hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách của Nhà nước, dẫn đến không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.

Nhóm thứ 4 là khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký. Cuối cùng là nhóm khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều kiện để được xóa nợ gốc

Có 6 biện pháp xử lý rủi ro được nêu ra tại Thông tư này, bao gồm: Cơ cấu nợ (Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; Gia hạn nợ);  Khoanh nợ; Xử lý tài sản bảo đảm; Bán nợ; Xóa nợ lãi; Xóa nợ gốc.

Để được xem xét xóa nợ gốc, khách hàng phải trong trường hợp: Bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký; Bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Khách hàng trong các trường hợp trên gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của hai năm liền kề trước năm đề nghị xóa nợ gốc bị lỗ và còn lỗ lũy kế, không trả được một phần hoặc toàn bộ nợ gốc đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký, có tổn thất về vốn, tài sản. Trường hợp khách hàng được xóa một phần nợ gốc phải có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ còn lại khả thi sau khi được xóa một phần nợ gốc (trừ trường hợp khách hàng bị phá sản).

Ngoài ra, khách hàng phải đáp ứng điều kiện: khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi hoặc chưa được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi nhưng quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi thì khách hàng cũng không trả được nợ gốc cho quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng cam kết. Đồng thời, Quỹ bảo lãnh tín dụng đã áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định nhưng khách hàng vẫn còn phần nợ gốc còn lại chưa thu hồi được.

Căn cứ điều kiện xem xét xóa nợ gốc nói trên và tình hình tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Chủ tịch UBND  cấp tỉnh xem xét, quyết định biện pháp xóa nợ gốc theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 

Đọc thêm