Trường lũy cổ xưa ở Quảng Ngãi

Ngày 26-1 vừa qua, hãng thông tấn CNN của Mỹ đăng tải bài của Adam Bray ca ngợi về trường thành cổ ở Quảng Ngãi.

Mô tả ảnh.
Adam Bray.
Ngày 26-1 vừa qua, hãng thông tấn CNN của Mỹ đăng tải bài của Adam Bray ca ngợi về trường thành cổ ở Quảng Ngãi.

Adam Bray là nhà báo, nhà văn chuyên viết ký sự đường dài, xuất bản sách hướng dẫn du lịch về Việt Nam. Sống nhiều năm ở Mũi Né, Phan Thiết, nói tiếng Việt và tiếng Chăm khá thông thạo, Adam Bray được nhiều người biết đến qua nhiều bài viết về các thôn làng hẻo lánh, xa xôi, ở các vùng cao hoặc về văn hóa lịch sử Việt Nam và các phong tục, tập quán trong cộng đồng người Chăm.

Về trường thành cổ ở Quảng Ngãi, Adam Bray nhận định rằng đó là một trường lũy cổ xưa, không giống được với Vạn lý Trường thành của Trung Hoa nhưng nó là bức tường có kết cấu quy mô, và tác giả dẫn lời Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Đây là trường thành dài nhất Đông Nam Á” và rất có ý nghĩa đối với quá khứ và tương lai của Việt Nam.

Biên tập viên của CNN chú thích: Adam Bray là người đầu tiên đến tận nơi bức tường thành cổ ở Quảng Ngãi sau 5 năm tính từ ngày nhà khảo cổ học, tiến sĩ Andrew Hardy và các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện từ năm 2005.

Mô tả ảnh.
Andrew Hardy (giữa) và Nguyễn Tiến Đồng (trái) đang hướng dẫn khai quật bức trường thành cổ.
Từ năm 2002, Tiến sĩ Andrew Hardy, người đứng đầu Trường nghiên cứu châu Á Pháp, chi nhánh tại Hà Nội, đã tìm thấy thông tin về “Long thành ở Quảng Ngãi” trong cuốn “Mô tả địa thế của Hoàng đế Đồng Khánh” được một quan triều Nguyễn biên soạn vào năm 1885.

Sau đó, nhóm của tiến sĩ Hardy đã tiến hành dự án thăm dò với tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (một nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học). Bức tường thành đã được phát hiện sau 5 năm miệt mài làm việc của cả nhóm.

Những ngày Tết Tân Mão, bài báo về “Long thành ở Quảng Ngãi” của Adam Bray đã được một vài người khác nhanh chóng đọc và chuyển qua tiếng Việt xuất hiện trên các tuyến truyền thông điện tử: Sau 5 năm khám phá và khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được đoạn thành dài tới 127km (riêng địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 111km), kéo dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Nó đi qua địa phận các huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định), chạy dọc theo dãy Trường Sơn.

Trường lũy bắt đầu được xây dựng vào năm 1819, dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Duyệt, một vị quan cấp cao dưới thời Hoàng đế Gia Long.

Mô tả ảnh.
Bờ chân trường thành cổ.
Trường lũy được xây dựng bằng đá và đất đan xen, với một số đoạn cao tới 4m.

Mặc dù cái tên “Trường lũy Quảng Ngãi” khiến người ta nghĩ đến Vạn lý Trường thành của Trung Quốc, nhưng “Vạn lý Trường thành Việt Nam” giống với bức tường Hadrian hơn, bức tường thành dưới thời La Mã ở biên giới Anh và Scotland.

Giống như bức tường Hadrian, Trường lũy Quảng Ngãi được xây dựng dọc một tuyến đường đã có sẵn. Hơn 50 đồn (pháo đài) đã được tìm thấy dọc chiều dài bức tường, nhằm bảo đảm an ninh và để thu thuế.

Đây là cách mà người xưa chống lại hiện tượng trôi trượt của lũy trên sườn đồi, núi. Những địa hình có độ dốc lớn, hoặc trên đỉnh những ngọn núi cao thì Trường lũy được xây hoàn toàn bằng đá. Với kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, khiến cho lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi.

Hiện Trường lũy đang trong quá trình xét duyệt để được công nhận là Di sản quốc gia, nhằm biến Trường lũy thành một địa điểm du lịch quốc tế.

Ngoài ra, tác giả bài viết cũng không quên nhắc đến Quảng Ngãi là nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai đau lòng vào năm 1968, khi lính Mỹ giết hại hơn 300 thường dân.

HOÀNG ĐẶNG

Đọc thêm