Trường nghề tìm kế tuyển sinh

Luôn trong tình trạng “khát” thí sinh từ nhiều năm nay, nên ngay đầu năm 2010, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đã lo tìm “kế sách” thu hút thí sinh cho mùa tuyển mới.

Luôn trong tình trạng “khát” thí sinh từ nhiều năm nay, nên ngay đầu năm 2010, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đã lo tìm “kế sách” thu hút thí sinh cho mùa tuyển mới.

Mở ngành đào tạo “hot”, “bắt tay” với doanh nghiệp lớn để nâng cao chất lượng đào tạo, “bao thầu” đầu ra, “đánh bóng” thương hiệu cho trường… Đó là những chiêu thức mới để các trường thoát ra khỏi tình trạng “khát” thí sinh.

“Bắt tay” với doanh nghiệp lớn

Thạc sĩ Đỗ Kinh Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, cho biết hai ngành Cơ - Điện tử, CNTT là thế mạnh đào tạo của trường. Một trong những hướng đi khá mới của trường là liên kết với Aptech để đào tạo ngành CNTT theo chương trình chuẩn của nước ngoài; liên kết với Toyota Việt Nam đào tạo nhân lực nghề đồng, sơn. Theo đó, tất cả học viên khi tốt nghiệp ra trường đều được Toyota “bao thầu” đầu ra.
 
“Chỉ có cách phát huy thế mạnh và tạo được cái mới thì mới thu hút được thí sinh. Nếu không có đột phá thì không cạnh tranh được với các trường khác, nhất là các trường ĐH có hệ trung cấp”, ông Thành nói.

Mô tả ảnh.
Làm thế nào để thu hút thí sinh luôn là bài toán khó cho các trường trung cấp, trường nghề. Ảnh: Minh Luân

Mở thêm ngành đào tạo mới đang “hot” trên thị trường lao động cũng là cách nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp (TC) nghề “gỡ bí” cho công tác tuyển sinh. TC Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đang xin mở thêm một số ngành dịch vụ như Kế toán, Maketing…

Tuy xin mở thêm ngành mới, nhưng trường này cũng không dám mạo hiểm mà chỉ tuyển 1.000 chỉ tiêu như mọi năm. Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm cũng đang xin Bộ GD-ĐT cho mở thêm các ngành mới như: Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh… và sẽ tăng thêm 500 chỉ tiêu cho hệ cao đẳng (hệ trung cấp tương đương với năm 2009 là 1.800 chỉ tiêu).

Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung cấp Dân lập CNTT Sài Gòn cho biết: Để tuyển đủ chỉ tiêu, năm nay trường sẽ tuyển sinh nhiều đợt hơn chứ không tuyển sinh 1 đợt (vào tháng 9) như năm trước. Năm vừa rồi, trường này chỉ tuyển được 31% trong tổng số 1.200 chỉ tiêu.

Trong khi đó, Trường trung cấp Tin học - Tài chính kế toán Hà Nội lại ký hợp đồng liên kết đào tạo với Học viện Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc) với mục đích gửi học sinh sang Trung Quốc đào tạo từ đầu hoặc học lên hệ cao đẳng. Ngoài ra, trường cũng đang xúc tiến hợp tác với các trường ở Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Bỉ  trong đào tạo trung học và công nhân lành nghề.

Rục rịch tư vấn tuyển sinh

“Một trong những điểm yếu của nhiều trường TCCN tồn tại nhiều năm qua là công tác chuẩn bị cho tuyển sinh sơ sài, tuyên truyền còn hạn chế, hiệu quả thấp nên không thu hút được thí sinh và không đạt chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch”, TS.Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD- ĐT) phân tích.

Nhận thấy những hạn chế trên, ngay từ đầu tháng 1 năm nay, các trường TCCN, trường nghề đã lên kế hoạch cho công tác tư vấn tuyển sinh từ rất sớm bởi  vào “mùa”, hầu như thí sinh chỉ chú ý đến các trường ĐH, CĐ.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TP HCM) cho biết đang lên kế hoạch tư vấn tuyển sinh ngay trong quý I.2010. Thường các năm trước, phải đến tháng 5 - 6, trường mới bắt đầu công việc này. Năm ngoái, trường tuyển được 80% trong tổng số 1.200 chỉ tiêu và được xem là một trong những trường trung cấp nghề tuyển sinh thành công nhất. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, “không vì thế mà trường chủ quan bởi dự báo tuyển sinh sẽ ngày một khó khăn”. 

Nhiều trường trung cấp, trường nghề khác cũng cho biết sẽ bắt đầu công tác tư vấn, tuyển sinh sớm hơn mọi năm. Thạc sĩ Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vạn Tường cho biết, năm nay trường tuyển mới 1.675 chỉ tiêu và sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh ngay sau Tết âm lịch.

Theo Đất VIệt

Đọc thêm