Trưởng thành từ mùa thu cách mạng !

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra họ đều còn rất trẻ. Hoà vào không khí cách mạng sục sôi của dân tộc, họ đã được chứng kiến, trực tiếp tham gia một sự kiện trọng đại của dân tộc. Lật đổ chính quyền cai trị của bọn thực dân phong kiến ở địa phương, thành lập chính quyền cách mạng; mang hết lòng nhiệt tình cách mạng tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách mà chính quyền non trẻ phải đối mặt. 65 năm sau, qua ký ức của họ, những ngày tháng lịch sử ấy vẫn như còn nguyên vẹn.

Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) trong công cuộc đổi mới.    Ảnh: Dương Đức

Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) trong công cuộc đổi mới. 

Ảnh: Dương Đức

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra họ đều còn rất trẻ. Hoà vào không khí cách mạng sục sôi của dân tộc, họ đã được chứng kiến, trực tiếp tham gia một sự kiện trọng đại của dân tộc. Lật đổ chính quyền cai trị của bọn thực dân phong kiến ở địa phương, thành lập chính quyền cách mạng; mang hết lòng nhiệt tình cách mạng tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách mà chính quyền non trẻ phải đối mặt. 65 năm sau, qua ký ức của họ, những ngày tháng lịch sử ấy vẫn như còn nguyên vẹn.

Ký ức đau thương

Không hẹn mà gặp, trong câu chuyện về những ngày tháng lịch sử ấy, những từ "đói" và "chết đói" đều được ông Lê Quang, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh, năm nay đã 90 tuổi, hiện nghỉ hưu ở số nhà 83, đường Thái Bình (TP Nam Định) và ông Trần Gia Mô, 86 tuổi, nguyên Bí thư Huyện uỷ Ý Yên, hiện nghỉ hưu ở phường Vị Xuyên (TP Nam Định), hai trong số những nhân chứng còn lại nhắc đến với tần suất dày đặc. Ông Lê Quang ngậm ngùi kể lại, làng Tam Quang, xã Yên Thắng quê ông trước Cách mạng Tháng Tám thuộc miền Thượng của huyện Nghĩa Hưng. Ruộng đất của làng quanh năm chịu cảnh lụt lội, hạn hán, mỗi năm chỉ cấy được một vụ. Đã vậy hầu hết ruộng đất lại tập trung vào tay địa chủ, cường hào. Ngày ấy, 4 tên địa chủ trong làng đã chiếm tới 40% diện tích đất canh tác; một phần còn lại là ruộng đình, chùa phục vụ việc cúng tế, đất canh tác của người dân còn lại chẳng đáng bao nhiêu; thêm nạn sưu cao, thuế nặng khiến cuộc sống của người dân trong làng vô cùng khổ cực. Đến năm 1945, khi quân Nhật về làng chiếm đóng, bắt dân nhổ lúa, trồng đay thì nạn đói khủng khiếp xảy ra. Toàn xã Yên Thắng có 1368 người, chiếm 28% dân số bị chết đói. Riêng làng Tam Quang của ông có 223 người, 22 gia đình bị xoá sổ, 17 gia đình vợ goá con côi phải sống ở lề đường, xó chợ. Bản thân gia đình ông Quang cũng có 11 người thân gồm bố đẻ, bố mẹ vợ, các anh chị em ruột, các cháu bị chết đói… Với ông Trần Gia Mô, ký ức về làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng quê ông, ký ức về những người thân trong gia đình ông cũng không kém phần thê thảm. Ông kể, sang Giêng giá gạo càng lên cao, chạy ăn càng khó, người trong làng chết ngày càng nhiều, ngày nào cũng có đám ma. Không khí ảm đạm, chết chóc bao trùm cả làng. Nhà giàu đóng cửa suốt ngày, người nghèo triền miên đứt bữa. Rau má, lá sung, xương cá, dâm bụt, tìm được thứ gì ăn thứ nấy. Mẹ ông, bà Đinh Thị Đặt giỏi thu vén nhưng đến bữa cũng chỉ lo cho cả nhà được một ít thính cộng với nước đun sôi. Ăn liền trong một tháng thì cả nhà lâm bệnh. Riêng mẹ ông bị kiết lỵ, phù nề sau chuyển sang cổ chướng, bụng to, sức khoẻ ngày càng suy sụp, phải nằm liệt giường cuối cùng kiệt sức chết vì đói khi mới 49 tuổi, để lại 4 đứa con thơ, trong đó có ông Trần Gia Mô cũng đang ngắc ngoải vì đói…

Cách mạng vẫn gieo mầm

Cũng qua ký ức của các ông Lê Quang và Trần Gia Mô, thật kỳ diệu, trong bối cảnh thực dân và phong kiến cai trị hà khắc, tại các làng quê, người dân phải quằn quại, rên xiết trong đói khổ, chết chóc bủa vây, cách mạng vẫn tìm được nơi gieo mầm và từng ngày lớn mạnh. Ông Lê Quang kể, đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào yêu nước đã lan tới miền thượng huyện Nghĩa Hưng. Đặc biệt, cuối năm 1928, khi tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nam Định được thành lập, hội đã cử 2 cán bộ về hoạt động ở Yên Thắng. Tháng 3-1929, tại chùa làng Phúc Chỉ, Chi hội Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Yên Thắng đã được thành lập (đây chính là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng) do đồng chí Ba Ry, một thầy giáo dạy học ở Phúc Chỉ làm chi hội trưởng. Tại đây, hội đã tổ chức một số hoạt động như kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, tuyên truyền đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, các cuộc đấu tranh của công nhân ở thành phố Nam Định, mỏ than Quảng Ninh, huyết tâm thư của chiến sỹ cộng sản Tống Văn Trân, thơ ca, sách báo của Trần Huy Liệu. Đặc biệt hội đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở cửa đền vua Đinh (làng Tam Quang), rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng ở chợ Đồi… Đến năm 1941, làng Tam Quang được đón nhà cách mạng Nguyễn Trọng Hợp về hoạt động dưới danh nghĩa một thầy giáo dạy học. Tại đây ông bắt tay củng cố phong trào, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi. Chớp thời cơ, ngày 21-8-1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Hợp, dân làng Tam Quang rầm rập kéo về phủ lỵ Nghĩa Hưng giành chính quyền. Ngay ngày hôm sau, bất chấp trời mưa lụt, dân làng Tam Quang nô nức kéo ra đền vua Đinh dự lễ mít tinh do Việt Minh tổ chức, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, lập chính quyền cách mạng lâm thời…

Cũng giống như ở làng Tam Quang, ở làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng (Ý Yên) quê ông Trần Gia Mô, phong trào cách mạng đã được nhen nhóm từ trước Cách mạng Tháng Tám. Đến năm 1944, không khí cách mạng sục sôi ở khắp nơi. Những thanh niên của làng như anh Côn, anh Thuỵ khi ấy đang làm việc cho nhà in Tiến Bộ (Hà Nội) đã tìm về làng, mang những điều tiếp thu được từ thực tế cách mạng ở Hà Nội tuyên truyền, phổ biến cho dân làng. Các anh đã tổ chức các hội ái hữu, tổ chức luyện tập võ nghệ cho thanh niên trong làng… Ngày 23-8-1945, ba ngày sau khi giành được chính quyền ở huyện, tại làng Hoàng Đan, những thanh niên ưu tú cùng với dân làng đã tổ chức cướp chính quyền thành công… Là những thanh niên ưu tú, sớm được giác ngộ, ngay khi địa phương giành được chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời các ông Lê Quang và Trần Gia Mô đều được nhân dân tín nhiệm giao các trọng trách. Trong đó cả hai ông bước đầu đều được phân công phụ trách công tác thanh niên. Tình hình chuyển biến mau lẹ, chính quyền mới gặp rất nhiều khó khăn, trước mắt phải giải quyết nạn đói, nạn dốt… Công việc bộn bề, bỡ ngỡ, khó khăn chồng chất nhưng bằng lòng nhiệt tình cách mạng, các ông không quản việc gì tổ chức phân công. Làm trưởng ban bình dân học vụ của làng, ông Lê Quang ngày đêm miệt mài mang vốn học ít ỏi của mình ra dạy chữ cho người làng. Bằng lòng nhiệt tình của ông, đến năm 1947, làng Tam Quang đã xoá được nạn mù chữ, trở thành làng đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng khi ấy xoá được nạn mù chữ. Bản thân ông Lê Quang sau này vinh dự được phong tặng danh hiệu "Chiến sỹ diệt giặc dốt", được tặng ảnh Bác Hồ do Người trực tiếp viết lời đề tặng.

Được tôi luyện trong môi trường cách mạng sục sôi, trải qua bao gian nan, thử thách, các ông Lê Quang và Trần Gia Mô từng bước trưởng thành, được kết nạp Đảng, được tổ chức lần lượt giao đảm nhiệm các cương vị quan trọng ở xã, ở huyện, ở tỉnh. Ở bất cứ cương vị nào các ông đều mang hết khả năng, lòng nhiệt tình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Chúng tôi, những thế hệ được sinh ra trong hoà bình càng nhận rõ hơn phẩm chất cao đẹp ấy ở những người cán bộ cách mạng lớp trước. Quê hương đất nước nay đã đổi mới từng ngày nhưng các ông vẫn giữ riêng cho mình nếp sống thanh bạch, giản dị. Với các ông, những bài học từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng vì tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn in sâu, theo suốt cuộc đời./.

Duy Hưng

Đọc thêm