Trường THPT Nam Triệu: Điểm sáng ngôi trường ngoài công lập

Tham dự các hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường THPT Nam Triệu như hội thi tiếng hát dân gian,  tìm hiểu chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số-KHHGĐ, phòng, chống HIV/AIDS... mọi người  đều bất ngờ trước khả năng tổ chức của giáo viên và sự tham gia tích cực, nhiệt tình, sáng tạo của học sinh.

Tham dự các hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường THPT Nam Triệu như hội thi tiếng hát dân gian,  tìm hiểu chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số-KHHGĐ, phòng, chống HIV/AIDS... mọi người  đều bất ngờ trước khả năng tổ chức của giáo viên và sự tham gia tích cực, nhiệt tình, sáng tạo của học sinh. Đây là thế mạnh của ngôi trường ngoài công lập ở ngoại thành, nơi gửi gắm con em của những gia đình nông dân huyện Thủy Nguyên.

Quang cảnh Trường THPT Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên).
Quang cảnh Trường THPT Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên).

Hiệu trưởng nhà trường Phạm Trung Tặng cho biết, Trường THPT Nam Triệu cách xa trung tâm thành phố và huyện Thủy Nguyên. Phần đông học sinh có lực học trung bình. So với nhiều trường THPT ngoài công lập, điểm đầu vào của học sinh THPT Nam Triệu rất thấp, vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục không đơn giản. Lãnh đạo và giáo viên nhà trường chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, xác định mục tiêu công tác giáo dục phù hợp với thực tế địa phương và trình độ học sinh. Một mặt, nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ nhiệt tình, chuyên môn vững bằng cách thường xuyên tuyển mới, bổ sung giáo viên. Việc thi tuyển giáo viên chặt chẽ, nghiêm túc, có sự hỗ trợ, kiểm tra của Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT). Nhà trường tạo điều kiện để giáo viên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Mới đây, trường phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng giáo viên Sao Khuê bồi dưỡng các nhóm giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị dạy học được nhà trường coi trọng. Từ chỗ chỉ có một dãy nhà 1 tầng bán kiên cố và một nhà hiệu bộ cấp 4, hiện nhà trường khang trang với 3 dãy nhà nhiều tầng, 32 phòng học kiên cố, trong đó có 4 phòng học bộ môn trang bị các thiết bị hiện đại và hàng trăm máy vi tính phục vụ dạy học và quản lý. Song song  với giáo dục kiến thức, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” , thu hút học sinh vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh các chuyên đề do Đoàn Thanh niên nhà trường tổ chức, trường xây dựng chuyên đề riêng cho mỗi tháng để học sinh tham gia như chuyên đề tháng 9 là “Chào năm học mới”, chuyên đề tháng 10 là “Phụ nữ với cuộc sống”, chuyên đề tháng 11 “Vinh danh nghề dạy học”, “Tôn sư trọng đạo”...

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường phân loại học sinh lớp 11, 12, hình thành các nhóm học tập “Bạn cùng tiến”, mỗi nhóm gồm 5-7 học sinh, có giáo viên phụ trách, kèm cặp. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, học tập của nhà trường có chuyển biến đáng kể. Năm học 2009-2010 vừa qua, học sinh nhà trường giành 3 giải tại kỳ thi học sinh giỏi thành phố, 2 giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi được xếp loại giỏi, nhà trường hoàn thành xuất sắc 12/14 tiêu chí thi đua, xếp thứ 2 trong số 16 trường THPT ngoài công lập tại thành phố.

PV

Đọc thêm