Về công tác chuẩn bị, các đơn vị, nhà trường phải tiến hành điều tra, phân loại đối tượng học sinh thành 2 nhóm có đủ điều kiện để học trực tuyến và không có đủ điều kiện học trực tuyến.
Các trường tổ chức rà soát thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin của nhà trường, giáo viên và học sinh như đường truyền Internet, thiết bị dạy và học trực tuyến, các phần mềm dạy học trực tuyến, tài khoản cá nhân dạy và học. Trên cơ sở đó, nhà trường tiến hành sắp xếp, bổ sung, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ cho dạy trực tuyến. Bố trí mỗi khối lớp ít nhất 1 phòng dạy học trực tuyến.
Tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh chuẩn bị trang thiết bị, điều kiện cần thiết cho con học trực tuyến; đăng ký thời gian học trực tuyến cho con và hỗ trợ con trong quá trình học trực tuyến.
Các trường xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học trong điều kiện dịch COVID-19 theo 3 phương án cụ thể:
Phương án 1: Học sinh toàn trường đi học trở lại sau khi nghỉ học theo chỉ đạo phòng dịch của địa phương, các trường lùi thời gian kết thúc năm học theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT, trong trường hợp không còn quỹ thời gian để lùi cho năm học thì sử dụng chương trình rút gọn. Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thành phố lùi thời gian kết thúc năm học phù hợp với từng trường.
Phương án 2: Tổ chức cho học sinh học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi nhà trường có học sinh nghỉ học để thực hiện cách ly dịch COVID-19. Bố trí giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, biết ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy tại các phòng dạy trực tuyến. Xây dựng thời khóa biểu, thời gian biểu học trực tuyến cho học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh học sinh biết. Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các phòng dạy trực tuyến của nhà trường đối với các khối lớp có học sinh nghỉ cách ly dịch COVID-19.
Đối với học sinh không có điều kiện theo học trực tuyến, các trường yêu cầu giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Zalo, Messenger,… photocopy tài liệu học tập chuyển đến học sinh và nhận bài của học sinh; hướng dẫn học sinh tự học qua website của Bộ GD&ĐT, kênh bài giảng trên youtube, đài truyền hình Trung ương và Đài truyền hình tỉnh Bắc Giang.
Phương án 3: Học sinh toàn trường tạm dừng đến trường theo chỉ đạo phòng dịch của địa phương và không còn quỹ thời gian đẩy lùi kết thúc năm học, các trường chuyển sang dạy học trực tuyến kết hợp với giao bài cho học sinh tự học.
Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1 tuỳ vào trường hợp, học sinh phải nghỉ học khi chưa có thể tự đọc, nhà trường linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến với các nội dung ôn tập kiến thức đã học của môn Tiếng Việt và Toán; tập trung chủ yếu dạy học các môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm. Khi học sinh trở lại trường, ưu tiên bố trí thời gian dạy học môn Tiếng Việt, Toán và các môn chưa được học trực tuyến.
Còn với học sinh phải nghỉ học khi đã có thể tự đọc, các trường tổ chức học trực tuyến như các lớp 2, 3, 4, 5.
Đối với học sinh các lớp 2, 3, 4, 5, các cơ sở giáo dục chuyển sang dạy học trực tuyến, ưu tiên thời gian cho dạy các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh; các môn còn lại bố trí thời gian dạy học linh hoạt. Bố trí phương án dạy học trực tuyến và giao bài tự học cho học sinh.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý các nhà trường khi lựa chọn, triển khai các phương án dạy học cần thực hiện đảm bảo công tác an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; nếu cần có thể tổ chức dạy học 2 ca, hạn chế tổ chức bán trú. Khi lựa chọn các phương án dạy học trên, các trường lưu ý cần phải đảm bảo cho học sinh nắm chắc các kiến thức, kỹ năng theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.
Tất cả học sinh sau quá trình học trực tuyến phải được kiểm tra để bổ sung kiến thức khi trở lại trường học theo chương trình giáo dục hiện hành và được đánh giá kết quả học tập theo quy định.
Đối với học sinh thuộc diện cách ly y tế tập trung không có điều kiện học trực tuyến hoặc giao bài tập, các trường chủ động tổ chức dạy học để bổ sung, củng cố các kiến thức, kỹ năng cơ bản đảm bảo chương trình và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh xong trước khi vào năm học mới.
Để tháo gỡ các khó khăn cho trong tổ chức dạy học, các Phòng GD&ĐT cần tổ chức tập huấn cho các bộ quản lý, giáo viên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về sử dụng công nghệ thông tin dạy học trực tuyến, nội dung chương trình dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học sinh,…