Cơn bão lịch sử
Kể từ sau cơn bão số 10 năm 2017, cơ sở vật chất của nhiều trường trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Mặc dù được các cấp chính quyền quan tâm nhưng hầu hết chưa khắc phục xong. Trường tiểu học xã Kỳ Tiến cũng nằm trong số đó.
Năm học này, văn bản chỉ đạo của cấp trên về hướng dẫn thu các khoản chậm, đặc biệt là việc thu xây dựng cơ sở vật chất, dẫn đến nhà trường cũng như chính quyền địa phương “lúng túng” trong thu chi các khoản về xã hội hóa giáo dục. Trong khi cơ sở vật chất lại xuống cấp, cảnh quan trường học bị ảnh hưởng trong cơn bão chưa khắc phục xong gây khó khăn lớn đến việc dạy và học.
Ông Lê Công Thắng, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Cơn bão số 10 là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm nay trên địa bàn Kỳ Anh, gió giật trên cấp 12. Sau bão, trường tan hoang như vừa trải qua một trận bom vậy. Cây cối đổ, gãy gần hết, các lớp học thì cửa sổ, cửa chính bị gió thổi đập vỡ kính nhiều, ngói lợp chống nắng phía trên các dãy phòng học cũng bay gần hết, cả trường như một bãi chiến trường. Mặc dù bị thiệt hại như vậy, nhưng trường đã chủ động kết hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục và sửa chữa những hư hỏng để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc giảng dạy. Trồng thay thế các cây bị gãy đổ, sửa chữa, thay thế các cửa, biển hiệu, khẩu hiệu bị hư hại…Tập thể toàn trường đã động viên nhau gắng khắc phục và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tất cả vì “tương lai con em chúng ta””.
Ông Lê Công Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Kỳ Tiến, trong một hoạt động của nhà trường. |
Nỗ lực vượt khó
Bước vào năm học 2018-2019, Trường tiểu học Kỳ Tiến đã đạt được một số mặt đáng khích lệ, đảm bảo tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Cụ thể đảm bảo đủ số lượng phòng học cho học sinh với tổng số 19 phòng, 9 phòng chức năng, 4 phòng làm việc, sửa chữa, xây mới 3 nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu trường đã chủ động thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phường, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy.
Xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, tăng cường thực hành các kiến thức đã giảng dạy vào thực tiễn, giúp các em “vừa học-vừa hành” tốt. Bên cạnh đó, rèn luyện các kỹ năng sống, đạo đức, hiểu biết xã hội để các em phát triển một cách toàn diện.
Điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và các hoạt động giáo dục theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/09/2011 của Bộ giáo dục và đào tạo linh hoạt, vừa sức, phù hợp đối tượng học sinh, thời gian thực tế, điều kiện dạy học của địa phương trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển của học sinh.
Ban giám hiệu cũng chủ động chỉ đạo tổ chức chuyên đề để giúp giáo viên hiểu rõ mục đích, kỹ thuật của việc thường xuyên đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn của thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 của Bộ. Xây dựng “ma trận” để khi tổ chức ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh. Hết học kỳ 1, 100% giáo viên nắm rõ và thực hiện tốt thông tư 22 và ra đề với 4 mức độ, 100 % học sinh được đánh giá công bằng, minh bạch. 100% học sinh có khả năng tự đánh giá và đánh giá bạn.
Đối với lứa tuổi khối tiểu học, bằng nhiều năm kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và bằng chính kinh nghiệm của các thầy cô hiện đang công tác, nhà trường xác định việc giảng dạy khi các cháu bước vào lớp 2 là rất quan trọng, là bước cơ bản để các em phát triển về sau, nên trường đã chủ động bố trí các giáo viên có nhiều kinh nghiệm để dìu dắt, bố trí giảng dạy một cách hợp lý. Tổ chức hoạt động ngay từ tuần 0, ngay buổi đầu nhà trường đã tổ chức cho giáo viên lớp 1 cũ và giáo viên lớp 2 mới kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh một cách khách quan, chính xác để có kế hoạch phụ đạo, kèm cặp. Chỉ đạo giáo viên trong quá trình giảng dạy phải thường xuyên chú ý nhắc nhở, điều chỉnh, rèn luyện các em ngồi viết đúng tư thế, khoảng cách, cầm bút đúng chuẩn quy định, giúp các em hiểu và viết đúng, đẹp về độ cao, khoảng cách, tỷ lệ các chữ, cách đặt bút, thử bút…theo phương châm “cầm tay nặn bột”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì năm nay việc trang bị cơ sở vật chất nhà trường không quản lý mà giao cho xã, nhưng nhà trường chủ động tham mưu cho xã đầu tư trang bị nột cách tốt nhất có thể để 100 % học sinh các lớp 3, 4, 5 được học tin học một cách đầy đủ tại phòng Tin học trường, với 2 em học sinh/1 máy có kết nối mạng internet.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã huy động 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào lớp, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học tập bình đẳng. Giáo viên đánh giá và xếp loại học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần căn cứ vào mức độ đạt được so với nội dung và yêu cầu đã được điều chỉnh tại Thông tư số 39/2009/TT-BGDDT nghiêm túc, đúng thực chất.
Phát động phong trào thi đua “vở sạch –chữ đẹp”, tổ chức các câu lạc bộ tiếng anh, thi đua “dạy tốt-học tốt”, tổ chức giao lưu viết chữ đẹp cấp trường…
Xác định đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục nên trường đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho giáo viên. Xây dựng cái “Tâm” cho giáo viên sao cho mỗi người là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, khuyến khích các thầy cô sáng tạo, đổi mới và khắc phục những hạn chế của sách giáo khoa để giảng dạy phù hợp với địa phương.
Bên cạnh đó, hàng tháng trường cũng hỗ trợ cho mỗi giáo viên 300 ngàn đồng nhằm khuyến khích và giúp đỡ một phần nào cuộc sống cho mỗi người.
Kết quả của sự cố gắng của tập thể nhà trường đã gặt hái những thành công nhất định như trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, không có học sinh bỏ học, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98%, tỷ lệ giáo viên đứng lớp đạt 1,42, giáo viên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 100%, các phòng học, phòng chức năng dạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nhiều em đạt giải học sinh giỏi tại các kỳ thi cấp huyện và tỉnh, nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi…
Đóng trên địa bàn một huyện nghèo, gần biển, hàng năm hay bị thiên tai, dân trí, điều kiện cuộc sống nhân dân còn thấp, nhưng tập thể trường tiểu học Kỳ Tiến đã luôn khắc phục khó khăn, đoàn kết trong công tác nên đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng trong sự nghiệp trồng người của huyện.