Thời gian gần đây, các đối tác Nhật Bản đã đưa ra các yêu cầu với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hàng dệt may Việt Nam đi vào và ra khỏi kho ngoại quan của họ đều phải xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đánh giá:
|
- Gần đây, các nhà nhập khẩu Mỹ, Nhật Bản, EU bày tỏ sự nghi ngờ và lo ngại nguồn gốc các sản phẩm dệt may của Việt Nam, với lý do tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Thậm chí, một số nhà nhập khẩu Mỹ đã cảnh báo, có những hiện tượng lấy hàng Trung Quốc rồi dán nhãn hàng Việt Nam. Do đó, với hành động kiểm tra của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, điều này có thể được hiểu như một biện pháp đòi hỏi nhà xuất khẩu Việt Nam cần nghiêm chỉnh trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời phải có chứng từ chứng minh sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
- Ông có thể đưa ra một vài dẫn chứng?
- Tôi được biết, hiện có một số DN Trung Quốc đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam, nhưng họ không sản xuất gì cả ngoài việc đưa hàng từ Trung Quốc sang rồi đóng cửa lại để dán nhãn “Made in Việt Nam” thay cho nhãn “Made in China”, sau đó đem đi xuất khẩu.
Theo tôi, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải làm một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, trong khi chúng ta đã mất thị trường trong nước với hàng Trung Quốc. Đã có trường hợp nhà nhập khẩu Mỹ đưa cho DN Việt Nam xem lỗi sản phẩm dệt may giống hệt lỗi của một nhà máy ở Trung Quốc.
Do vấn đề này cũng đã được đối tác “nhắc nhở” nhiều lần nhưng DN Việt Nam vẫn chưa chịu sửa, để đến khi họ tìm đến tận nhà máy bên Trung Quốc và mang về 2 mẫu sản phẩm có cùng 1 lỗi như nhau và nghi ngờ DN Việt Nam đã sang mua lại hàng của DN Trung Quốc.
- Đứng trước bài toán này, nhiều DN Việt Nam đã đưa ra giải pháp là kêu gọi các đối tác như Nhật Bản, Mỹ, EU cung cấp toàn bộ nguyên liệu đầu vào cho DN Việt Nam. Hay mới đây có thêm giải pháp cấp giấy chứng nhận hàng hóa từ khi hàng được đưa từ kho ngoại quan lên tàu. Quan điểm của ông về 2 hướng giải pháp này như thế nào?
- Đây là 2 giải pháp ngắn hạn. Trước mắt khi công nghệ và dịch vụ trợ giúp cho những sản phẩm dệt may của Việt Nam chưa phát triển, thì có thể chấp nhận làm gia công cho họ, tức là yêu cầu đối tác nhập khẩu cung cấp nguyên vật liệu cho DN Việt Nam, để họ không nghi ngờ và biết rõ nguồn gốc từ đâu.
Nhưng ngay lập tức các DN Việt Nam phải nghĩ đến và tiến hành những biện pháp dài hạn để nâng cao hàm lượng sản phẩm lên. Đây là yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài mong đợi, họ mong được nhập khẩu hàng Việt Nam để ủng hộ nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải nhập khẩu hàng Việt Nam để phải mua sản phẩm mà có tới 75% có xuất xứ từ Trung Quốc.
- Câu chuyện trên để lại thông điệp gì, theo ông?
- Chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự nâng cao tiềm lực kinh tế. Họ muốn hợp tác để ủng hộ nền tế của Việt Nam, đây là thông điệp gửi đến các DN Việt Nam rất rõ ràng và cụ thể từ các nhà nhập khẩu. Theo tôi, chúng ta nên chấp nhận yêu cầu đó, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU. Đây là hai thị trường quan trọng của hàng dệt may, da giày Việt Nam xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 52% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam, thị trường EU thời gian qua vẫn có mức tăng trưởng khá, khoảng 25%.
Việt Anh (thực hiện)